Không chỉ các nhà quản lý văn hóa mà đa số những người có mặt tại cuộc bàn tròn đều đồng tình cho rằng, thẻ hành nghề cho giới biểu diễn thực sự cần thiết trong lúc này. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương nhận định: Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập mạnh mẽ với quốc tế trên nhiều bình diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Quá trình hội nhập mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng gặp phải nhiều thách thức, trở ngại. Sức ép về đồng hóa văn hóa của một số quốc gia lớn đang tạo áp lực mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, nghệ thuật của nước ta, tác động không nhỏ vào quá trình nhận thức và thị hiếu về nghệ thuật, thẩm mỹ, dẫn đến hiện tượng một bộ phận giới trẻ đã bị lệch chuẩn bởi tác động của những xu hướng xấu, ngoại lai thông qua hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Đó là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt "scandal" thời gian gần đây như: Bà Tưng tung sản phẩm âm nhạc kém chất lượng, Angela Phương Trinh múa cột trong quán ba, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mặc áo blue bác sĩ Cát Tường… Những hành vi như mặc trang phục ngắn, mỏng, lộ nội y… trong quá trình biểu diễn tác động xấu đến nhận thức về cuộc sống, con người, xã hội của một bộ phận khán giả. Đồng thời, làm suy giảm các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ của văn học nghệ thuật đối với đời sống xã hội. Do đó, việc xây dựng Đề án là hết sức cần thiết và cấp bách. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn khẳng định: "Đây sẽ là công cụ để Bộ tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, tăng cường công cụ quản lý trực tiếp đối với nghệ sĩ, người mẫu biểu diễn". Tuy vậy, trong Dự thảo vẫn còn nhiều lỗ hổng. Điển hình như thẻ hành nghề không có thời hạn sử dụng sẽ khó kiểm soát; Đề án chưa nói rõ, đối với những hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục sẽ bị thu hồi thẻ hành nghề thì đó là hành vi trên sân khấu hay ngoài đời sống. Ví dụ trường hợp ca sĩ Đàm vĩnh Hưng mặc áo blue có ghi tên "bác sĩ Cát Tường" chẳng hạn. Vấn đề khác được nhiều người quan tâm là những đối tượng được cấp thẻ hành nghề có các cá nhân đã đoạt giải tại các cuộc thi nghệ thuật; cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, đối với trường hợp các thí sinh dưới 18 tuổi tham gia cuộc thi "Giọng hát Việt nhí", "Đồ rê mí"… có được cấp thẻ hành nghề hay không, nếu được cấp thì có đúng quy định của pháp luật. Một băn khoăn khác là một số nghệ sĩ đa năng như nhạc sĩ Trần Hiếu, Trần Tiến, Đức Huy… khi đi hát có cần thẻ hành nghề không? Ngoài ra, trong dự thảo Đề án còn thiếu hẳn quy định cụ thể về thời gian nghệ sĩ nộp hồ sơ đến thời gian được cấp phép là bao lâu; Nếu nghệ sĩ bị tòa tuyên án, bị thu hồi thẻ hành nghề thì khi họ cải tạo tốt và được ra tù, có chính sách nào để họ được hoạt động tiếp trong lĩnh vực nghệ thuật không? Rồi trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp thẻ hành nghề… Dù Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn khẳng định: "Bộ sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà báo, phóng viên để bổ sung giúp Đề án hoàn thiện nhất, khả thi nhất khi ban hành", song những băn khoăn về sức nặng của chiếc thẻ hành nghề vẫn được đặt ra giữa thị trường biểu diễn "bát nháo" hiện tại. Bởi đây không phải lần đầu tiên nhà quản lý muốn lấy thẻ hành nghề làm "roi" để quản nghệ sĩ. Năm 1999, chiếc thẻ hành nghề đã hiện diện trong làng biểu diễn, nhưng chỉ 3 năm sau đó (năm 2002), chiếc "roi" quản lý này bị hủy bỏ. Thế nên, lần "tái sinh" này phải hết sức thận trọng để không đi vào "vết xe đổ" trước đó.