Trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải các tư pháp đến năm 2020 đã xác định, nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình…; tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo…
Từ năm 2010, chế định này được thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh và tiếp tục được thực hiện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết ngày 31/12/2015.
Thí điểm Thừa phát lại là giải pháp có tính đột phá trong cải cách tư pháp nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số nội dung hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng. Theo đó, tạo cơ chế, mô hình để người dân có sự lựa chọn được dịch vụ pháp lý tốt và hiệu quả nhất trong việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan; tạo cơ sở và điều kiện để người dân xác lập các chứng cứ trong việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án cũng như trong việc thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế, thông qua đó, bảo vệ tốt các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Tại Hà Nội, hoạt động thí điểm chế định Thừa phát lại đã được thực hiện. Từ đầu năm đến nay đã cấp Giấy đăng ký hoạt động cho 5 Văn phòng Thừa phát lại là các văn phòng: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hà Đông và Hà Nội. Tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các Thừa phát lại và Thư ký nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng cho các Thừa phát lại và Thư ký nghiệp vụ đang hoạt động tại các văn phòng.
Bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, Sở luôn theo sát các hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại và có hướng dẫn kịp thời về những vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm từ tổ chức, quản trị Văn phòng đến những vấn đề liên quan đến chuyên môn, trước hết là việc lập vi bằng, tránh tình trạng làm trái thẩm quyền và không đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Thừa phát lại là một chế định mới nên người dân còn chưa hiểu, chưa quen sử dụng dịch vụ. Các Văn phòng Thừa phát lại chậm thực hiện ký hợp đồng tống đạt với Tòa án nhân dân thành phố, Cục Thi hành án Thành phố, Tòa án, Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện. Bên cạnh đó, Thư ký Thừa phát lại và các nhận viên các Văn phòng Thừa phát lại còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ.
Vì vậy, Sở Tư pháp đã đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, tin, sử dụng dịch vụ của Thừa phát lại, đưa việc tuyên truyền về Thừa phát lại thành một nội dụng trong bản tin nội bộ phát hành đến các Chi bộ. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án cho Thừa phát lại và Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại…
Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về Thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan. Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành pháp luật, xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu đương sự, trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định Tòa án theo yêu cầu đương sự… |