Chủ động các biện pháp
Đại diện Công an TP Hà Nội cho biết, ngay từ những ngày đầu ra quân tấn công trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm ANTT dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lực lượng Công an TP Hà Nội đã triển khai quyết liệt các kế hoạch, biện pháp công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm cướp giật và trộm cắp tài sản.
Biện pháp quan trọng được Giám đốc Công an TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị thực hiện là phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng mở các đợt tuyên truyền với nhiều hình thức trong mọi tầng lớp nhân dân về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm.
Tổ công tác Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, trấn áp các loại tội phạm. (Ảnh: Đạt Lê) |
Cùng với đó, lực lượng công an tập trung công tác nắm tình hình, diễn biến hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn, kịp thời phân tích, đánh giá những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm.
Chủ động thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả, thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản trong đó có quản lý lưu trú, tiến hành tổng rà soát toàn bộ số đối tượng tỉnh ngoài, ổ nhóm tội phạm có biểu hiện hoạt động, đặc biệt số đối tượng tù tha, có dấu hiệu hoạt động tội phạm để theo dõi, quản lý phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh kịp thời.
Theo Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an TP Hà Nội), thời điểm cuối năm, loại tội phạm trộm đột nhập thường lợi dụng lúc người dân bận rộn, nhất là vào dịp áp Tết Nguyên đán sẽ bộc lộ nhiều sơ hở để trộm cắp tài sản. Các đối tượng sau khi tìm cơ hội, phát hiện chủ nhà quên không khóa cửa, cửa nhà được lắp đặt sơ sài, không đảm bảo an toàn, không người trông giữ, dùng xà cầy cạy cửa đột nhập vào trong trộm cắp tài sản.
Vào ban đêm, chúng thường trèo tường, vượt rào, chui qua cửa sổ, cửa thông tầng, trèo lên ban công, cửa lỗ thoáng, ô thông gió, đột nhập từ cửa tum hay lợi dụng cột điện, cây xanh gần nhà để leo lên rồi xâm nhập vào trong từ tầng thượng để trộm cắp.
Cảnh báo về tội phạm trộm cắp, cướp giật
Đưa ra cảnh báo về loại tội phạm trộm đột nhập, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự nhấn mạnh: Trong khoảng thời gian trước, trong, sau Tết, kẻ gian thường lợi dụng sự chủ quan của người dân để trộm cắp. Đáng chú ý là chủ tài sản thường để xe trước sân nhà, trong gầm cầu thang khu chung cư, hoặc ở vỉa hè… không có người trông coi, thậm chí để quên chìa khóa trong ổ khóa xe để gây án.
Vì vậy, mọi người dân không nên để xe máy không có người trông giữ, kể cả khi có công việc gấp cũng phải đưa xe vào nhà, hoặc nơi an toàn khóa cổ xe, rút chìa khóa điện ra khỏi xe. Đến những địa điểm công cộng như lễ hội, chợ, đám cưới, đám hiếu… cần gửi xe vào nơi có người trông giữ và không để ở nơi khuất tầm quan sát.
Trong khoảng thời gian trước, trong, sau Tết, kẻ gian thường lợi dụng sự chủ quan của người dân để trộm cắp. Do đó, người dân cần đề cao cảnh giác. (Ảnh minh họa) |
Đối với loại hình tội phạm cướp và cướp giật tài sản, Trung tá Nguyễn Minh Quang - Đội trưởng Đội Chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản (Đội 8), Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội phân tích: Tội phạm cướp và cướp giật tài sản thường lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của người dân để hoạt động vào bất kỳ thời gian nào. Phương thức hoạt động của tội phạm dạng này cũng rất tinh vi, táo tợn và manh động, luôn mang theo hung khí trong người để chống trả khi bị phát hiện, truy đuổi…
Vào dịp cuối năm, tội phạm cướp giật tài sản diễn ra phức tạp, tội phạm thường chọn mục tiêu là những người phụ nữ sử dụng điện thoại ở ngoài đường, có nhiều sơ hở không bảo quản tài sản như: Túi xách, đồ trang sức để gây án cướp giật tài sản… Tội phạm luôn mang theo hung khí, sẵn sàng sử dụng chống trả người truy đuổi để tẩu thoát. Đã có nhiều đối tượng rất manh động, có sự bàn bạc kế hoạch cụ thể trước khi gây án.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội khuyến cáo: Dịp Tết Nguyên đán, khi tham gia giao thông trên đường, mọi người dân cần chú ý quan sát qua gương chiếu hậu, nếu phát hiện thấy có đối tượng nghi vấn bám theo phía sau, hay có biểu hiện cố tình va chạm giao thông, cần phải đi sát vào lề đường, hoặc dừng hẳn ở chỗ có nhiều người qua lại; Không nên cho người lạ, không quen biết đi nhờ xe; cảnh giác khi có người đi sát hỏi đường, hoặc khi dừng đèn đỏ; cần chú ý khi rút tiền ở ngân hàng và điểm ATM, nên có người đi cùng và quan sát xung quanh trước khi rời khỏi các địa điểm này, để nhận diện, phát hiện kẻ gian có thể deo bám chờ cơ hội ra tay cướp giật tài sản.
Trang bị khóa chống trộm, khóa bánh, còi báo động, khóa phanh đĩa, khóa chân chống cho xe máy… Các gia đình cần kiểm tra, gia cố cửa - khóa nhà và sử dụng các loại khóa chống trộm, ổ khóa trong để chống cắt phá khóa. Nên cẩn thận kiểm tra kỹ các cửa ra vào, cửa sổ, cửa thông tầng, cửa ban công, cửa tum, cửa ô thoáng trước khi đi ngủ...
Đại tá Nguyễn Bình - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội: “Ngoài các biện pháp nghiệp vụ được lực lượng công an triển khai đồng bộ, người dân cần nâng cao cảnh giác, không được chủ quan và phải có biện pháp quản lý, bảo vệ tài sản của gia đình một cách chặt chẽ. Tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương, dũng cảm tố giác và nhận diện, truy bắt tội phạm ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi thời điểm…”. |