Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công an Thủ đô, sẻ chia yêu thương với bà con vùng lũ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đó chính là tinh thần của những nữ cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô đối với bà con vùng lũ. Một chiếc xe tải chuyển quân của cảnh sát chở hàng đến vùng lũ luôn chậm hơn chiếc xe chở đoàn công tác vì lượng hàng hóa mang theo.

KTĐT - Đó chính là tinh thần của những nữ cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô đối với bà con vùng lũ. Một chiếc xe tải chuyển quân của cảnh sát chở hàng đến vùng lũ luôn chậm hơn chiếc xe chở đoàn công tác vì lượng hàng hóa mang theo. Ngỡ như sẽ san sẻ được rất nhiều những khó khăn của bà con vùng lũ, nhưng có đến tận nơi mới thấy, tất cả những thứ ấy, chỉ như muối bỏ bể, song có những thứ luôn đủ đầy: Đó là tình người.

Công an Thủ đô, sẻ chia yêu thương với bà con vùng lũ - Ảnh 1
Tặng quà gia đình trung úy Trần Nhật Thành (xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)

Điểm đặt chân đầu tiên của đoàn cứu trợ do đồng chí Thượng tá Lê Hồng Lan, Trưởng ban Công tác nữ Công an thành phố Hà Nội dẫn đầu, mang theo tấm lòng của hơn 22.000 cán bộ nữ là xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Xã nằm ngoài đê, khi cơn lũ đầu tiên ập đến, xã đã bị ảnh hưởng, song vẫn còn gắng gượng, nhưng khi cơn lũ thứ hai tấn công thì 720/748 nóc nhà trong xã bị ngập. Ông Hoàng Xuân Việt, Chủ tịch UBND xã Đức Nhân cho biết: Xã cũng cố gắng tự thân vận động, khi nước rút cũng cố gắng gượng đảm bảo đời sống nhân dân, không trông chờ vào cứu trợ nhưng quả thật đời người mấy khi chứng kiến những cơn lũ liên tiếp như vậy nên chỉ cố gắng để bà con không đứt bữa. Các chị về như ri, dẫu chỉ là cân gạo hay túi thuốc khử trùng nhưng cũng đã thể hiện tình cảm của người chiến sỹ công an, luôn có mặt giúp dân trong những tháng ngày trầm luân nhất. Trong những ngày mưa lũ vừa qua, xã không thiệt hại về người, chỉ có 2 người bị thương, trong đó có một công an xã đi cứu dân thoát lũ.

Gạo, lương khô, mỳ tôm, sách vở, thuốc khử trùng, nước là “danh mục hàng hóa” mà đoàn công tác của phụ nữ Công an Thủ đô mang đến san sẻ với bà con vùng lũ. Tiếp nhận số hàng hóa này, chị Lê Thị Bích - Chủ tịch Hội phụ nữ xã nghẹn ngào: Đức Nhân đợt lũ chồng lên lũ vừa qua không phải nằm trong rốn lũ, thiệt hại nhưng không nặng nề như các xã khác nên mới chỉ 1, 2 đoàn đến cứu trợ. Sự có mặt của đoàn công tác Ban Công tác nữ CATP là một sự sẻ chia quý báu đến người dân, giúp cho các gia đình trong xã, nhất là chị em phụ nữ vượt qua được khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Để đáp lại tấm lòng cao cả của chị em phụ nữ Công an Thủ đô, chúng tôi sẽ thành lập những tổ tiếp nhận hàng cứu trợ, phân chia công bằng và đầy đủ những món quà nghĩa tình này đúng đối tượng.

Rời Đức Nhân, đoàn công tác tiến vào sâu hơn, địa bàn xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nơi có con sông Son vẫn hiền hòa chảy qua động Phong Nha. Sông Son hôm nay không còn đục ngầu, đỏ au cuồn cuộn như những ngày mưa bão, dần trở lại với sự bình lặng vốn có nhưng hậu quả nó để lại thì phải nhiều thời gian nữa mới có thể khắc phục được. Ngọn tre phất phơ những túi nilon đủ màu, lá cây phủ một màu đất, đủ để cả đoàn tưởng tượng được nước ngập đến đâu. Liên Trạch mặt trước là sông, phía sau là núi, mùa lũ, nước sông dâng cao, người dân sống gần sông đã quen, nhưng năm nay, nước trên núi tràn xuống, nước dưới sông dâng lên, cứ một phút lên 20cm. Những căn nhà dựa lưng vào vách núi, vẫn nghĩ mình ở nơi cao ráo, không có sự phòng bị nên đã  thiệt hại nặng nề.

Công an Thủ đô, sẻ chia yêu thương với bà con vùng lũ - Ảnh 2

Thanh niên tham gia dọn dẹp, thông đường bị sạt lở đất và ta luy

Trong đêm 4-10, Liên Trạch đã có 5 người chết, trong đó thương tâm nhất là gia đình Trung úy Trần Nhật Thành, cán bộ Đội An ninh nhân dân CAH Bố Trạch. Cả đoàn công tác không ai cầm được nước mắt khi nghe Thượng tá Nguyễn Thị Triều - Trưởng ban Công tác nữ Công an tỉnh Quảng Bình kể lại câu chuyện về gia đình ấy. Nhà Trung úy Thành có 7 người con, anh là con thứ 5, những ngày nước dâng, anh cùng đồng đội phải ứng trực 24/24h cứu dân. Nhà anh ngay sát cạnh UBND xã nhưng trong đêm định mệnh ấy, gia đình anh chỉ còn lại người cha liệt 1 chân và cậu cháu ruột con chị gái anh mới 4 tuổi. Nước lên quá nhanh, điện cắt, trời tối đen như mực, gió rít gào khiến không ai biết trong ngôi nhà ấy có 2 ông cháu. Ông cố sức đẩy cháu lên “trạn” nhưng rồi có lẽ vì hoảng sợ, cháu đã vùng vẫy và rơi ra ngoài qua ô cửa chưa kịp lắp song sắt. Đêm ấy, gia đình Trung úy Thành có 2 người ra đi mãi mãi. Đau đớn hơn, nước ngập tứ bề, hai cỗ áo quan đành phải chôn sau vườn. Và mỗi khi cửa sổ ngôi nhà mở ra, 2 bát hương cắt từ thân cây chuối, 2 ngọn đèn dầu như một vết dao xoáy vào tâm can những người đang sống.

Mưa lun phun khiến những con đường trong xã dính đầy bùn đất đỏ, đường đến Liên Trạch cũng sụt lở liên tiếp. Những thanh ta luy nằm im lặng cùng đất đá, mặt đường chỉ còn là những tấm bê tông. Trống hoác bên dưới. Sự nguy hiểm dường như không ai để ý tới, cả đoàn chỉ mong nhanh đến với những đồng bào đang gặp khó khăn. Trung tá Phạm Hải Anh - Ủy viên Ban Công tác nữ CATP Hà Nội chia sẻ: Khi biết có đoàn công tác của phụ nữ CATP đến với Quảng Bình, Hà Tĩnh, rất nhiều các chi hội phụ nữ cơ sở đã ủng hộ, tiền, hàng hóa, thậm chí xung phong được đến những nơi khó khăn nhất. Tình yêu thương đồng bào khi gặp khó khăn lớn hơn bao giờ hết. Liên tiếp những đợt hàng cứu trợ chia sẻ khó khăn với bà con bị lũ lụt đã đến miền Trung nhưng dường như bao nhiêu cũng là không đủ. Trên đường từ Quảng Bình về Hà Nội, đoàn công tác đã nhận được nhiều cuộc điện thoại đề nghị tiếp tục ủng hộ cho đồng bào miền Trung. Những vòng tay nhân ái sẽ được nối tiếp, truyền đến với đồng bào miền Trung lửa ấm của tình người và chắc chắn, bất cứ nơi nào còn khó khăn, phụ nữ Công an Thủ đô lại lên đường.