Công an TP Hà Nội: Chủ động khắc phục những tồn tại, bất cập để kiềm chế cháy nổ

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 28/12, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) - Công an TP Hà Nội - tổ chức tổng kết công tác năm 2020 và triển khai chương trình công tác năm 2021. Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội chủ trì Hội nghị.

6 người chết, thiệt hại hơn 30 tỷ đồng do cháy
 Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huy động nhiều lực lượng tại quận Đống Đa, Hà Nội.
Thượng tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP Hà Nội) cho biết: Trong năm 2020, trên địa bàn Hà Nội, các cơ sở, địa bàn có nguy hiểm về cháy, nổ tiếp tục gia tăng; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh hình thành tự phát, không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC đòi hỏi phải có lộ trình, thời gian và những giải pháp tổng thể về quy hoạch mới có thể khắc phục những tồn tại này. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước… phục vụ công tác chữa cháy vẫn tồn tại nhiều bất cập...
Tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tại các khu vực nội thành, tập trung vào các loại hình cơ sở: Nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà ở kết hợp kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ…
Trước tình hình đó, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố để triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác theo tiến độ đề ra. Cảnh sát PCCC và CNCH đã triển khai các phương án đảm bảo an toàn PCCC, CNCH, đồng thời phối hợp các lực lượng bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng, giữ vững ANCT và TTATXH trên địa bàn Thủ đô.
Năm 2020, địa bàn thành phố xảy ra 411 vụ cháy làm 6 người chết, 25 người bị thương, thiệt hại về tài sản trên 30 tỷ đồng. So với năm 2019 giảm số vụ, số người chết, bị thương cũng như thiệt hại tài sản do hỏa hoạn gây ra. Địa bàn xảy ra cháy, trong nội thành xảy ra 240 vụ, chiếm 58,4% số vụ cháy; ngoại thành xảy ra 171 vụ, chiếm 41,6% số vụ cháy. Về loại hình cơ sở xảy ra cháy: Nhà dân 221 vụ; nhà kho, xưởng sản xuất 43 vụ; phương tiện giao thông 30 vụ; hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh 22 vụ; rừng 17 vụ; văn phòng làm việc, trụ sở cơ quan 8 vụ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống 9 vụ; chung cư, nhà cao tầng 8 vụ;… các loại hình khác 34 vụ. Tình hình nổ, xảy ra 1vụ nổ do rò rỉ khí gas làm 5 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 1 vụ, 5 người bị thương.
Về nguyên nhân, chập điện 287 vụ; sơ xuất khi sử dụng lửa 34 vụ; sự cố kỹ thuật máy móc 6 vụ; rò rỉ khí gas 4 vụ; hàn cắt 2 vụ; đốt 2 vụ; tai nạn giao thông 2 vụ; sơ xuất khi sử dụng nguồn nhiệt 1 vụ; đang điều tra, làm rõ 73 vụ.
Giải quyết những tồn tại, làm chuyển biến rõ nét về công tác PCCC
 Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội nhấn mạnh: Các đơn vị tiếp tục chủ động công tác dự báo tình hình, đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC và CNCH.
Chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào  toàn dân PCCC, CNCH nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; trình độ, kỹ năng, khả năng PCCC tới sâu rộng các tầng lớp nhân dân trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền; nội dung tuyên truyền cần có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tế của từng cơ sở, từng đối tượng; Tập trung đánh giá thực trạng về mô hình tổ chức, tính hiệu quả trong hoạt động của lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở và lực lượng PCCC chuyên ngành; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các biện pháp, giải pháp kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, biến các lực lượng này trở thành lực nòng cốt..;
Làm tốt hơn nữa công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, CNCH; tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến về PCCC, đặc biệt tại các khu dân cư, cụm công nghiệp, làng nghề,…
Cùng với đó, phải nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị nghiệp vụ; tiếp tục nghiên cứu triển khai các kế hoạch chuyên đề mới, có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, hướng vào giải quyết từng bước những tồn tại, bất cập, qua đó làm chuyển biến rõ nét công tác PCCC và CNCH trên từng địa bàn, lĩnh vực, cơ sở trọng điểm.
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội yêu cầu, công an các quận, huyện, thị xã tập trung tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch chuyên đề công tác PCCC và CNCH của Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô.
Trước mắt, cần xây dựng, triển khai đồng bộ, hiệu quả các kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn PCCC, CNCH đối với các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, ngoại giao, các hoạt động văn hoá, thể thao, lễ hội lớn diễn ra trên địa bàn Thành phố; trọng tâm là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEAGAMES lần thứ 31 năm 2021...; Tiếp tục tăng cường công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ; đảm bảo công tác hậu cần - kỹ thuật...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần