Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công bố báo cáo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/11, Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam: Kết quả điều tra năm 2012.”

Hội thảo nhằm công bố một nghiên cứu về năng lực cạnh tranh, công nghệ và cam kết trách nhiệm xã hội của trên 8.000 doanh nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu này dựa trên phân tích chi tiết điều tra công nghệ và cạnh tranh của doanh nghiệp do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phối hợp với Tổng cục Thống kê và nhóm nghiên cứu quốc tế đến từ Trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch) thực hiện.

Cuộc khảo sát chỉ ra rằng, mặc dù phần lớn các chính sách nhấn mạnh vào vai trò xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp vẫn có thể hưởng lợi bằng cách mở rộng phạm vi và quy mô thị trường trong nước. Một số lượng tương đối nhỏ các doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ chuyển giao công nghệ nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và những doanh nghiệp có hoạt động chuyển giao công nghệ đều đạt năng suất cao hơn.

Ngoài ra, trong khi một nguồn lực lớn được đầu tư vào công tác thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, cuộc khảo sát cho thấy, chỉ có một số lượng tương đối nhỏ các doanh nghiệp đang đầu tư vào phát triển các sản phẩm hoàn toàn mới và một số lượng doanh nghiệp lớn hơn đang tham gia vào việc cải tiến công nghệ và đổi mới.

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Về việc đảm bảo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, báo cáo đặt vấn đề là tại sao trách nhiệm xã hội quan trọng với doanh nghiệp? Trong đó, các doanh nghiệp có tôn trọng các tiêu chuẩn về lao động và môi trường không? Có tham gia bảo vệ môi trường không? Có tạo môi trường làm việc tốt cho lao động không?

Điều tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện những yêu cầu bắt buộc về đảm bảo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Sự tuân thủ thể hiện ở việc đảm bảo quyền lợi của người lao động, bao gồm bảo hiểm xã hội, trong đó đầu tư vào việc thực hiện các trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường ở mức tối thiểu.

Báo cáo nhấn mạnh, khó khăn về tài chính mà các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải đối mặt trong việc đầu tư vào công nghệ mới. Doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình của Chính phủ hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực này.

Báo cáo gợi ý, các nhà hoạch định chính sách nên tiếp tục hỗ trợ đầu tư trực tiếp nước ngoài và đặt ra yêu cầu thực hiện chuyển giao công nghệ một cách chính thức hơn, đồng thời cũng khuyến khích trao đổi công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước. 

Tương tự như vậy, hiệu quả đầu ra sẽ cao hơn nếu các doanh nghiệp trong nước tiếp thu công nghệ đã tồn tại hơn là tập trung vào phát triển công nghệ đắt tiền thông qua các nghiên cứu và phát triển tốn kém.

Các công nghệ chuyển giao vào Việt Nam hầu hết là các công nghệ có trình độ bằng hoặc cao hơn công nghệ sẵn có ở Việt Nam nhưng mới chỉ đạt mức trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với các nước trong khu vực.

Trên 80% doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5-6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu.

Báo cáo nhận định, với một nước có dân số trẻ và lực lượng lao động đáng kể vẫn đang làm việc trong ngành nông nghiệp, đầu tư nước ngoài và những chính sách cải tiến công nghệ phù hợp là rất cần thiết trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.

Phân bổ lại lao động từ nông nghiệp sang lĩnh vực hiện đại đã làm tăng phúc lợi cho đại đa số người dân. Tuy nhiên phân bổ lao động sẽ không thể tiếp tục nâng cao mức sống trong tương lai xa. 

Thay vào đó, cải tiến kỹ thuật sẽ đóng một vai trò chủ chốt. Một phần quan trọng của giải pháp dài hạn để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp áp dụng, điều chỉnh và cải tiến công nghệ phù hợp./.