Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công cụ hữu hiệu nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sở Công Thương đang nỗ lực triển khai chương trình phát triển công nghiệp công nghệ cao nhằm trợ giúp các doanh nghiệp (DN) công nghiệp Hà Nội áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất và hiệu quả dây chuyền sản xuất.

Ngày 5/10, Sở Công Thương đã phối hợp với Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức Hội nghị phổ biến các giải pháp ứng dụng công nghệ tự động hóa hiện đại trong quá trình sản xuất công nghiệp trên thế giới.  

Tham dự hội nghị là gần 100 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ phụ trách kỹ thuật đại diện cho hơn 30 DN trên địa bàn Hà Nội, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm.

Công cụ hữu hiệu nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Giảng viên cao cấp – Tiến sĩ Nguyễn Minh Hệ, ĐH Bách Khoa Hà Nội đã giới thiệu cho các DN nhiều giải pháp tự động hóa cho quá trình sản xuất, theo các mức tự động hóa một phần, tự động hóa đồng bộ và tự động hóa toàn phần. Theo TS. Hệ, kỹ thuật tự động hóa trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ trong mọi ngành công nghiệp, là yếu tố then chốt thúc đẩy tiến bộ sản xuất. Tự động hóa đã nâng cao năng suất lao động, cho phép làm ra những sản phẩm có chất lượng cao, ổn định với giá thành hạ. Chính vì vậy đã có đủ cơ sở để nói rằng, nửa cuối thế kỷ 10 và những năm đầu thế kỷ 21 này là thời kỳ của tự động hóa.

Mặc dù vậy, TS. Hệ cho rằng ở Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất công nghiệp còn rất hạn chế do khó khăn chủ yếu là DN thiếu và yếu nguồn nhân lực có trình độ. Khó khăn này có thể thấy rõ trong những ngành công nghiệp đang cần nhiều ứng dụng tự động hóa để nâng cao năng suất chất lượng, như sản xuất giấy, điện – điện tử, hay chế tạo máy… Cụ thể, nguồn nhân lực trong DN công nghiệp ở nước ta rất lớn nhưng mới chỉ dừng lại ở lao động phổ thông giản đơn. Gần đây, nguồn nhân lực cho tự động hóa bắt đầu được chú trọng, tập trung đào tạo song chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, “cần có những chính sách đãi ngộ xứng đáng, linh hoạt và hợp lý đối với nguồn nhân lực này trong các DN nhà nước mới tránh được tình trạng “chảy máu chất xám” từ DN nhà nước về các DN liên doanh hay DN nước ngoài như hiện nay. Đồng thời, quá trình ứng dụng tự động hóa chắc chắn làm dư thừa một đội ngũ khá đông những lao động giản đơn trước đây, nên song song với việc thực hiện quá trình ứng dụng tự động hóa cần giải quyết thế nào cho hài hòa lực lượng lao động dôi dư. Đây vẫn là vấn đề nan giải của các DN” – TS. Hệ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một khó khăn lớn khác là hiện nhiều DN sản xuất trong nước không có điều kiện tiếp cận và gặp nhiều vướng mắc trong quá trình tìm kiếm các thông tin liên quan đến ứng dụng tự động hóa vào sản xuất trên thế giới. Vài năm gần đây, nhờ có internet mà điều này đã phần nào được khắc phục, song mức độ khai thác và sử dụng internet của các DN vẫn hạn chế. Internet trong DN chưa thực sự trở thành một kênh trao đổi cung cấp thông tin tương xứng với khả năng của nó.

Ông Lưu Minh Đức, Phó trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho rằng, năm 2012, ngành công nghiệp Hà Nội phải đối mặt rất nhiều thách thức chưa từng thấy. Hầu hết DN đã và đang phải cắt giảm sản lượng và nỗ lực hết mình mới mong duy trì sản xuất kinh doanh. Một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn này chính là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất. Đây không chỉ là biện pháp cấp thiết để vượt khó khăn trước mắt mà còn là giải pháp quan trọng lâu dài giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh phát triển. Thực tế thời gian qua, trong ngành công nghiệp Thủ đô có rất nhiều DN nhờ áp dụng các công nghệ tự động hóa mà đã nâng cao đáng kể hiệu quả sản xuất kinh doanh, tìm kiếm được nhiều đối tác mới, tăng cường khả năng cạnh tranh trong hội nhập. Từ những hoạt động thiết thực phổ biến giải pháp công nghệ do các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín tổ chức, hy vọng DN sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức mới về ứng dụng công nghệ tự động hóa vào quá trình sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của mình trong bối cảnh khó khăn” – ông Đức chia sẻ.

Hiệu quả kinh tế của việc ứng dụng tự động hóa đã được chứng minh tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới: Giúp tăng năng suất thiết bị công nghệ, trên cơ sở duy trì chính xác chế độ công nghệ tối ưu; nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, giảm sự tổn thất của sản xuất, giảm chi phí nguyên liệu và các vật liệu phụ, hạ giá thành sản phẩm, giảm chi phí nhiên liệu và năng lượng, tăng cường độ của quá trình. Công nghệ tự động hóa cũng cho phép ứng dụng những công nghệ tiên tiến có độ phức tạp cao mà không thể tiến hành được trong điều kiện điều khiển thủ công, giảm sự mài mòn thiết bị và kéo dài khoảng thời gian giữa các đợt sửa chữa nên giúp tăng độ đồng đều trong chế độ làm việc của thiết bị, giảm kích thước nhà xưởng và tiết kiệm chi phí xây dựng. Ngoài ra, tự động hóa cũng giúp cải thiện điều kiện lao động nhất là ở những công đoạn độc hại, giảm lượng nhân viên phục vụ, cải thiện khâu tổ chức và quản lý sản xuất…