Kinhtedothi - Theo một số chuyên gia, hiện vẫn có nhiều thách thức đang ở phía trước đối với kế hoạch thực thi đầy đủ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, khi bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN vẫn chưa chắc chắn về triển vọng đạt được mục tiêu này.
Tăng cường hội nhập kinh tế, thông qua việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Một thông báo chung được đưa ra sau Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 21 diễn ra trong các ngày 28/2-1/3 tại Kota Bharu (Malaysia) viết: “Việc thực hiện các biện pháp (hướng tới) AEC không có nghĩa là ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng kinh tế đơn nhất vào ngày 1/1/2016, hay nói cách khác là gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy các biện pháp tích cực đã và đang được triển khai để hướng tới một khu vực tự do và hội nhập hơn."
Tại cuộc họp này, bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN đã tập trung vào cách thức làm thế nào để đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hải quan, hài hòa các tiêu chuẩn và dịch vụ, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và hoàn tất đàm phán về vấn đề đầu tư và dịch vụ trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản.
Thông báo trên cũng cho hay việc thành lập chính thức AEC vào cuối năm 2015 sẽ đánh dấu một cột mốc lớn trong nỗ lực của ASEAN để hoàn thành mục tiêu thành lập một khu vực hội nhập, song không nhắc tới việc làm thế nào để đạt được mục tiêu này trong năm nay.
Tuy vậy, những lợi ích từ kế hoạch thiết lập AEC đang đến với các doanh nghiệp và giới tiêu dùng ASEAN, từ việc tự do hóa thuế quan, những tiến triển trong các biện pháp xúc tiến thương mại như tự khai báo và đơn giản hóa thủ tục hải quan, và các thỏa thuận công nhận lẫn nhau giữa các nước về chuyển dịch lao động có tay nghề cao trong khu vực.
Trong khi đó, một nghiên cứu thực hiện hồi đầu năm 2015 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có một đánh giá khác về AEC. Nghiên cứu này cho hay nhiều ý kiến cảm thấy dự án hội nhập khu vực chưa thể đạt được vào thời hạn 2015 với một thời gian biểu quá tham vọng và quá nhiều sáng kiến.
Kế hoạch thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN đề ra việc xây dựng một thị trường và cơ sở sản xuất chung với dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, lao động có tay nghề và vốn đầu tư. Tuy nhiên, đang có những khoảng cách phát triển đáng kể giữa các nước thành viên. Một ví dụ cho điều này là tổng thu nhập bình quân đầu người của Singapore cao gấp 56 lần Campuchia.
ASEAN hiện là thị trường lớn với khoảng 600 triệu người tiêu dùng và Tổng sản lượng quốc nội (GDP) đạt trên 2.200 tỷ USD năm 2011. Mặc dù còn khá nhiều thách thức ở phía trước, nhưng đến nay các nước ASEAN đã đạt được sự tiến triển bước đầu trong tiến trình hội nhập hướng tới một thị trường đơn nhất và một cơ sở sản xuất chung, một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh, phát triển kinh tế công bằng hơn và hội nhập hơn nữa với nền kinh tế thế giới.