Bỏ giàu sang, quyền quý
Cụ Đỗ Đình Thiện (1904 - 1972) là một trong số những con người như thế. Năm 1927, khi đang theo học trường Kỹ sư Canh nông ở Toulouse (Pháp), Đỗ Đình Thiện gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, từng hoạt động đấu tranh vì mục tiêu giải phóng giai cấp vô sản rồi bị bắt giam, chịu án tù 4 tháng trước khi bị trục xuất về nước năm 1931.
Năm 1943, thời điểm mà các cơ sở cách mạng của ta bị khủng bố, quỹ Đảng vô cùng khó khăn, eo hẹp, chỉ vỏn vẹn có 24 đồng bạc Đông Dương. Vậy mà khi ông Nguyễn Lương Bằng - Trưởng ban Kinh Tài của Đảng (sau này là Phó Chủ tịch nước) vượt ngục, tìm đến Cửa hàng Cát Lợi chuyên kinh doanh tơ lụa (số 54 Hàng Gai) để liên lạc với đồng chí của mình mong được trợ giúp, chẳng cần suy tính, bà Trịnh Thị Điền trao luôn cho quỹ Đảng 30.000 đồng Đông Dương. Số tiền khá lớn khiến ông Bằng phải sửng sốt!
Cách mạng Tháng Tám thành công. Khi ta vào tiếp quản ngân hàng của chế độ cũ, ngân khố chỉ còn 1,2 triệu đồng Đông Dương tiền rách. Gia đình ông, bà Đỗ Đình Thiện đã tham gia Tuần lễ Vàng, ủng hộ 100 lượng vàng để nhiều người hưởng ứng theo. Tiếp theo là Quỹ Độc lập (ông Thiện là trưởng Quỹ), nên đã góp 10 vạn đồng Đông Dương (tương đương 4kg vàng). Đó là chưa kể số tiền 1 triệu đồng Đông Dương ông mua đấu giá chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với mục đích thể hiện sự kính trọng và biết ơn Người khi đất nước được độc lập. Sau đó, ông Thiện tặng luôn bức chân dung trên cho chính quyền Hà Nội. Khi toàn quốc kháng chiến, ông bà còn hiến cả 2.000 mẫu đất đang là đồn điền ở Chi Nê (Hòa Bình) trị giá 1 triệu đồng Đông Dương để Chính phủ xây dựng Nhà máy in tiền Quốc gia...
Có một điều rất đáng khâm phục là các nhà tư sản Hà Nội và cả nước đều biết rõ nếu thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam thì việc sản xuất, buôn bán của họ sẽ bị gây khó dễ, thậm chí bị bắt, tống giam. Thế nhưng họ vẫn dấn thân cùng dân tộc không hề nuối tiếc.
Tình cảm của ông bà Thiện với cách mạng được ông Nguyễn Lương Bằng kể lại, có một lần, khi nhắc đến gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Gia đình ấy với mình chỉ là một”.
Từ tháng 6/1946, ông Đỗ Đình Thiện là một trong hai người tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến ngoại giao đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Fontainebleau (Pháp) với tư cách là thư ký riêng. Chuyến đi kéo dài 4 tháng không khác gì "tự đem thân vào hang hùm". Suốt chuyến đi đó, ông đã dốc tiền cùng những mối quan hệ bên Pháp để giúp phái đoàn Chính phủ.
Tấm lòng của trí thức - doanh nhân
Một trí thức, một gia đình tư sản giàu nhất, nhì Hà Nội trước năm 1945, nhưng chưa bao giờ họ màng tới danh lợi sau ngày đất nước giành độc lập. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có lần chia sẻ thật lòng với người con gái thứ ba của 2 cụ Thiện - Điền rằng: "Những gia đình như gia đình cháu mà đi theo Cách mạng thì thật là quý vì chỉ có hy sinh, mất mát và thiệt thòi nhiều thôi!". Tấm Huân chương Hồ Chí Minh cao quý mà cụ được Đảng, Nhà nước ta tưởng thưởng đã phần nào ghi nhận công lao hết sức to lớn của cụ đối với đất nước (cụ bà Trịnh Thị Điền cũng được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất).
Tôi đã không cầm lòng nổi khi nghe người con trai cụ từng tâm sự rằng: Mặc ai nói gì thì nói, gia đình tôi, cha mẹ tôi vẫn luôn luôn kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ cũng đã rất mãn nguyện một điều, đã góp phần nhỏ bé trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho nước nhà…
Nhớ về cụ Đỗ Đình Thiện, một trí thức, hy sinh cả gia sản lớn đi theo Cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà thấy thật cảm phục về một tầng lớp tư sản yêu nước đã đồng hành cùng Đảng, cùng dân tộc.