Dưới sân trường Đại học Luật (Hà Nội), bà Nhàn vác tải gạo chừng 30kg trên vai, lê cái chân khập khễnh ra ghế đá. Đúng lúc đó, cậu con trai cũng vừa nhập học xong. Bà giục con cầm theo đồ, nhanh đi tìm một chỗ trọ.
Bà nói nhà mình ở một vùng rừng núi của Thanh Hóa giáp với Nghệ An, cuộc sống thuần nông khá vất vả nên từ lúc biết con đậu đại học, bà vui một mà lo gấp mười. Chưa đến 50 tuổi nhưng do quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng đồng khiến khuôn mặt bà Nhàn đầy vết chân chim, nước da cháy nắng. Thêm cái chân khập khễnh trong một lần bị tai nạn ở xưởng khai thác đá càng khiến cái dáng bà thất thểu hơn.
Lần đưa con đi thi đại học, bà phải bán đi 5 tạ thóc. Lần này, bà lại bán nốt 5 tạ còn lại và vay mượn thêm cho đủ 4 triệu đồng mang đi vừa để đóng học, vừa cho con tiêu tháng đầu.
"Tôi cho con thêm gần 30 kg gạo nữa, ở nhà cũng chỉ còn một bì thóc để ăn. May là đôi lợn sắp bán được, khi đó sẽ được sẽ có tiền đong gạo và cho con", bà Nhàn lạc quan nói.
Mình bà Sơn tự cày bừa, cấy hái 2 mẫu ruộng vì bà không biết còn cách nào khác có tiền cho con đi học. Ảnh: Phan Dương.
Người mẹ này tính chi li từng khoản, mỗi tháng sẽ cho con trai 1,5 triệu vừa tiền nhà cửa, ăn tiêu. Về phần gạo ăn bà sẽ gửi từ quê ra. "Nhà tôi đâu giống người ta có tiền sẵn cho con đi học. Tất cả chỉ dựa vào cây lúa, cây khoai, con lợn, con gà thôi. Giờ con đi học, mỗi tháng vợ chồng tôi phải cố làm ra hơn một triệu cho nó", bà nói.
Không chỉ lo về tiền bạc, bà lại lo cho đứa con chưa bao giờ đi ra khỏi nhà. "Từ nhỏ thằng con tôi vốn yếu đuối chỉ biết học hành. Trung tâm thành phố nó còn chưa bao giờ đến huống gì ra thủ đô, tôi sợ nó sẽ bị bắt nạt, bị lừa", bà Nhàn nói.
Bà cũng lo môi trường mới dễ làm con mình sa ngã. "Con tôi ngờ nghệch lắm, nhỡ nó bị chúng bạn lôi kéo chơi lô đề, cờ bạc, bỏ bê học hành thì gia đình tôi lấy tiền nào để trả", người mẹ tội nghiệp lo lắng.
Cuối buổi sáng hôm đó, hai mẹ con đã tìm được phòng trọ. Bà Nhàn để con ở ghép với hai cậu thanh niên khóa trên trong một nhà trọ gần trường, mỗi tháng sẽ mất khoảng 600 ngàn tiền nhà, điện nước.
Rồi bà lại đăm chiêu: "Đóng xong tiền nhà thì sẽ còn 900 ngàn đồng nữa, nếu chịu khó nấu ăn ở nhà chắc vẫn đủ tiêu đến hết tháng".
Cũng như vậy, bà Nguyễn Thị Sơn (56 tuổi, Nho Quan, Ninh Bình) đưa con đi nhập học ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn với nỗi lo tiền bạc. Trong khi đợi con, bà Sơn ngồi trông vài cái túi lỉnh kỉnh và một thùng tôn quần áo y như chuẩn bị đưa con về nhà chồng.
Mái tóc bà hoa râm, từng sợi khô cong khắc khổ, gương mặt nhăn nheo. Nhất là khi trầm tư suy nghĩ, trán bà nhăn lại đáng sợ. Bà mặc chiếc áo nhuốm màu đất, vết mốc li ti làm đen cả mảng áo sau lưng nhưng với bà đó là chiếc áo đẹp nhất trong ngày đưa con vào giảng đường đại học.
Năm nay Diệu Thu - con gái bà Sơn đậu ngành Sư phạm ngữ văn nhưng theo người mẹ này cô bé không thích lắm. Vì nhà nghèo nên Thu bắt buộc phải học sư phạm để đỡ tiền học phí.
Diệu Thu thuộc diện được ở kí túc xá nên cũng đỡ được một khoản cho mẹ. Bà Sơn tính sẽ gửi gạo cho con, một tháng cho thêm vài trăm nữa mua thức ăn.
"Trước hôm đi nhập học, con Thu bảo tôi làm cho bình ruốc và bình muối lạc để ăn dần. Sáng nay, nó lôi hai bình đó ra, cười sung sướng rồi nói 'có hai bình này rồi con chỉ cần cắm cơm mẹ gửi là sẽ không lo đói nữa", người mẹ già sụt sùi.
Rồi bà Sơn kể về cái căn nhà xây bằng đá ong đã hơn 30 năm vào trời mưa, trong nhà cũng ướt đẫm như ngoài sân. "Tôi không thích gì hộ nghèo nhưng bao năm nay gia đình vẫn không thoát khỏi cái diện ấy", bà thở dài.
Mà thoát khỏi hộ nghèo sao được khi một nhà 7 miệng ăn chỉ mình bà là nhân lực chính, còn ông chồng bị thần kinh tọa và vôi hóa xương cột sống không làm được gì. Bà Sơn tự tay cày bừa, cấy hái gần 2 mẫu ruộng nuôi cả gia đình.
Gần 60 tuổi, đáng lý phải được nghỉ ngơi nhưng bà Sơn vẫn còn nhiều gánh nặng: "May là hai con gái đầu đã lấy chồng rồi. Giờ tôi chỉ còn phải lo cho 3 con nữa. Một đứa đang học cao đẳng, đứa năm nay vào đại học và con út đang học lớp 10", bà kể.
Vì có sổ hộ nghèo nên các con của bà không đóng học là bao. Điều khiến bà Sơn lo lắng là tiền ăn, uống, sinh hoạt của chúng. Lần này để có tiền cho 2 con lớn ra trường, bà phải bán đi một con lợn mẹ.
Vài ngày nữa mới nhập trường nhưng sáng nay ông Mạnh (45 tuổi, Bá Thước, Thanh Hóa) đã đưa con ra Hà Nội. Ông muốn tranh thủ thời gian tìm nhà trọ, dẫn con đi chơi vì cũng như con đây là lần đầu tiên ông được thăm thú Hà Nội.
Năm nay, con gái ông đỗ ngành báo chí, Học Viện Báo chí và Tuyên truyền. Ông sung sướng, hãnh diện vô cùng vì con mình là người đầu tiên ở cái thung lũng nơi ông đang sống đậu đại học.
Người thấp bé, lớp râu che kín cả khuôn mặt. Ông rít một hơi thuốc lào rồi kể lại hành trình đi học đầy khó khăn của con: "Cấp 1 cháu học ở trường nhà nhưng lên cấp 2, cháu phải đi bộ gần 10 km đường rừng đi học. Vì đường đèo dốc nên lúc đi vẫn có thể đạp xe còn lúc về chỉ dắt bộ. Vào hôm trời mưa, đất đỏ lầy lội bám hết bánh xe, đẩy được chiếc xe đạp về nhà cũng tối mịt".
Cũng vì thế mà hầu hết trẻ em trong vùng bỏ học. Đến tuổi 17, 18 tuổi đã bắt đầu lập gia đình, 20 tuổi đã con bồng, con bế. Người con trai thứ của ông Mạnh cũng bỏ học do không chịu được khổ.
Trái lại, con gái đầu lại chăm chỉ, học giỏi. Ông Mạnh động viên, dành thời gian cho con học. Ông còn tranh thủ đi làm về sớm để đón con được quãng đường nào hay đoạn đường đó. Lên cấp 3, ông cho con ở trọ, một tuần mới về nhà một lần.
“Mỗi tháng tôi cho nó 50.000 đồng nhưng nó chỉ ăn tiêu hết 30.000 đồng. Nó bảo chỉ ăn con cá khô, chút nước mắm, nắm rau rừng qua bữa. Nghe con kể mà tôi thương nhưng tính nó đã thế nói không được”, người cha kể.
Ngay cả khi con gái làm hồ sơ thi đại học, ông cũng chỉ mong con đậu vào một trường trong tỉnh nhưng cô bé lại lựa chọn ngành báo chí. "Không hiểu sao, tôi vẫn có niềm tin con sẽ đậu. Lúc biết tin con đậu thật lần đầu tiên tôi thấy hạnh phúc thế. Từ giờ, cậu út thích học thế nào tôi cũng không quản nữa vì đã có chị đậu đại học rồi", ánh mặt ông rạng ngời.