Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghệ bán vé của sân khấu Bắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vé in dưới dạng voucher, quảng cáo và giao vé qua tổng đài 1080... là hình thức bán vé của sân khấu Bắc sau gần 10 năm "ngủ đông".

Để giúp sân khấu thoát khỏi cảnh chật vật sinh tồn, các nhà hát phía Bắc đã nghĩ ra đủ cách PR để hút khán giả. Và có lẽ, chưa bao giờ người làm loại hình nghệ thuật truyền thống lại cập nhật nhiều công nghệ quảng bá tác phẩm nhanh như hiện nay.

Đủ kiểu công nghệ

Nhà hát Tuổi trẻ luôn là đơn vị đi đầu trong công tác tiếp thị sản phẩm. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, khi mà công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, hình thức nhờ tên tuổi nghệ sĩ để tiếp thị vé như kiểu NSƯT Chí Trung từng làm đã không còn phát huy tính hiệu quả. Chính vì vậy, Nhà hát Tuổi trẻ đã thay đổi phương thức tiếp thị với sự xuất hiện thường xuyên ở các kênh mua bán như Hotdeal, Mua chung, Nhóm mua… Để khuyến khích khán giả mua vé qua các kênh bán vé mạng, nhà hát đã giảm 50% giá vé cho mỗi người đặt mua qua đây. Hơn nữa, Nhà hát Tuổi trẻ cũng lựa chọn hình thức in voucher để làm quà tặng khách hàng như các rạp chiếu phim khác. Ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: "Khi bán vé theo dạng voucher thì khán giả sẽ được giảm 40% giá vé quy định, phía kênh mua bán được hưởng 10% và phía nhà hát chỉ thu được 50%".

 
Một cảnh trong “Gala Tình yêu cười” của Nhà hát Tuổi trẻ.
Một cảnh trong “Gala Tình yêu cười” của Nhà hát Tuổi trẻ.
Từ khi Liên đoàn Xiếc Việt Nam quyết định phối hợp với Tổng đài 1080 Hà Nội để bán vé xem, đơn vị nghệ thuật này đã không còn bị Sở VHTT&DL Hà Nội réo rắt gọi tên sau mỗi lần vi phạm công tác treo băng zôn quảng cáo hoặc gây mất trật tự qua loa đài. Khán giả yêu xiếc chỉ cần nhấc điện thoại gọi tổng đài 04.1080 là có thể biết về chương trình cũng như lịch biểu diễn của Liên đoàn Xiếc tại 79 Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ngoài ra, Liên đoàn cũng nhận đặt và giao vé qua kênh thông tin này. Theo ông Vũ Ngoạn Hợp - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: "Dịch vụ này không hề mất một khoản chi phí quảng cáo nào, tuy mới thực hiện nhưng theo báo cáo từ Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì cách làm này đang tạo được những tín hiệu rất khả quan, nếu thực hiện dài sẽ trở thành một thói quen mua vé xem nghệ thuật xiếc qua mạng của khách".

Sân khấu đã khởi sắc

Sau khi Bộ VHTT&DL có chủ trương xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật, chất lượng của các vở diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Liên đoàn Xiếc, Nhà hát Múa rối T.Ư... không giảm, nhưng vé bán ra thì giảm đi đáng kể. Bão hòa với các loại hình giải trí, thiếu thông tin cập nhật về hoạt động của sân khấu là lý do khán giả rời xa rạp hát.

Phải công nhận, sau khi cập nhật các hình thức bán vé, sân khấu Bắc đã thật sự khởi sắc. Nhà hát Tuổi trẻ đã định hình được sân diễn thường xuyên vào mỗi dịp cuối tuần tại Rạp Đại Nam với chủ đề "Giấc mơ Việt" cùng huyền thoại bong bóng Fan Yang. Hồi tháng 6 và đầu tháng 7/2014, mỗi suất diễn của 2 vở kịch "Sơn Tinh - Thủy Tinh" và "Hoàng tử Gấu và hạt dưa" đều kín chỗ. Bên cạnh đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam không còn diễn theo thời vụ, cùng các dịp lễ Tết như Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu... mà lịch diễn đã kéo dài thường xuyên vào các ngày cuối tuần. Sân khấu của Liên đoàn Xiếc cũng lạc quan hơn khi đón nhận đông đảo khán giả trẻ.

Đối với sân khấu phía Nam, các hình thức bán vé áp dụng công nghệ không còn quá xa lạ. Thế nhưng, với những đoàn nghệ thuật ngự trị tại phía Bắc thì đây là cách mới để lăng xê mình. Bởi từ lâu, sân khấu phía Bắc đã quá quen sống trong môi trường bao cấp, không quen vận động tìm kiếm thị trường. Thế mới thấy, thời của cơ chế thị trường, dù là nghệ thuật truyền thống, được khẳng định giá trị từ lâu, nhưng nếu không tự vận động cũng có thể "ngủ đông" mãi mãi.