Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghệ “chắp cánh” cho làng nghề Phúc Trạch

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng nghề mộc Phúc Trạch, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín đã có truyền thống hàng trăm năm nay. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là áng thờ, sập gụ, tủ chè... Hiện làng nghề có trên 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn.

Nhờ ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất đã giúp nâng cao năng suất lao động ở làng nghề Phúc Trạch, Thắng Lợi, Thường Tín.
Trước kia, phương thức sản xuất ở làng nghề chủ yếu là thủ công truyền thống nên hiệu quả không cao. Người thợ chỉ sản xuất và bán những sản phẩm do mình tự sáng tạo ra chứ không quan tâm đến thị trường cần gì, đặc biệt là thị trường xuất khẩu… Nhận thức được vấn đề này, những năm gần đây, nhiều hộ đã đầu tư máy móc, đẩy mạnh tự động hóa trong quá trình sản xuất. Đồng thời tận dụng mạng internet để nắm bắt xu hướng tiêu dùng, từ đó tạo ra các mẫu mã mới, đa dạng để mở rộng thị trường. Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất tại các làng nghề đều đã tiếp cận và sử dụng công nghệ vào sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm
Giờ đây, tại làng nghề mộc Phúc Trạch không còn cảnh người dân phải hì hục cưa, cắt, đục đẽo… mà tất cả các công đoạn từ phác thảo họa tiết, hoa văn, định hình kích thước, hình dáng của sản phẩm đều được lập trình trên máy vi tính, máy khắc công nghệ cao tự vận hành. Chia sẻ về hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, anh Nguyễn Tiến Hùng, chủ cơ sở mộc Tiến Hùng cho biết: Để đục một bức triện như ý thì một người thợ lành nghề phải làm tới 8 giờ. Thế nhưng chỉ mất 3 giờ, chiếc máy chạm khắc gỗ công nghệ cao cho ra 6 sản phẩm. Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ làm ra từ chiếc máy chuẩn đến từng chi tiết và có độ đồng đều cao. "Từ khi cơ sở đầu tư máy móc, việc sản xuất rất nhanh, chất lượng được nâng lên” – anh Hùng bộc bạch.

Ngồi chăm chú bên chiếc máy tính đặt tại xưởng sản xuất, anh Nguyễn Hải Bắc – chủ một cơ sở sản xuất mộc ở Phúc Trạch cho biết: Hiện nay, ngoài thời gian làm việc, trung bình mỗi ngày, anh dành thời gian từ 1 – 2 giờ làm việc trên máy tính để viết bài giới thiệu sản phẩm, nhận đơn hàng, lựa chọn các mẫu mã gửi cho đối tác và trao đổi, thương thảo hợp đồng. “Trước đây kinh doanh truyền thống thì chúng ta đợi khách đến nhưng bây giờ chủ động hơn rất nhiều. Chúng tôi có thể sử dụng các trang mạng xã hội để lập fanpage, website bán hàng” - anh Bắc cho hay.

Theo Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi Nguyễn Quang Vinh, từ khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã giúp cho làng mộc Phúc Trạch phát triển hưng thịnh hơn, sản phẩm chất lượng tốt hơn, tăng năng suất, hạ giá thành, đáp ứng được những đơn đặt hàng lớn… Ông Vinh nhận định, khoa học công nghệ đã “chắp cánh” cho làng nghề bay xa hơn. Hiện nay ngoài bán cho các tỉnh, thành trong cả nước, mộc của Phúc Trạch còn được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản...