Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghệ không thể thay thế cái tâm của người làm báo

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 17/3, trong chuỗi các sự kiện của Hội báo toàn quốc năm 2018, Tạp chí Người Làm Báo phối hợp cùng Ban Nghiệp vụ, Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức toạ đàm Làm báo trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội tụ là xu hướng tất yếu
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây. Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các "nhà máy thông minh" hay “nhà máy số”. Bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất.
Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, cách mạng 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.
 Toàn cảnh Hội thảo “Gặp mặt các nữ Tổng Biên tập năm 2018”
Với hơn 10 năm nghiên cứu về xu hướng báo chí và xu hướng công nghệ trong báo chí, nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc TTX Việt Nam cho rằng, xu hướng hội tụ trong báo chí truyền thông là điều đương nhiên. Bây giờ, việc phải biết nhiều kỹ năng đối với nhà báo hiện đại là chuyện bình thường. Những kỹ năng này là gần như bắt buộc để nhà báo có thể tác nghiệp tại những nơi khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế, để viết vừa hay, chụp ảnh đẹp và làm video tốt thì không phải nhà báo nào cũng làm được.
Bên cạnh đó, theo nhà báo Lê Quốc Minh, nhà báo hiện đại cũng cần phải biết nhiều kỹ năng khác nữa, trong đó phải biết tương tác với mạng xã hội, biết làm thương hiệu cho bản thân…
Nhấn mạnh về những tiềm năng, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào nghề làm báo, song nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng để làm được điều đó rất cần ý chí quyết tâm của lãnh đạo các cơ quan báo chí, sự đầu tư về tài chính và quan trọng nhất là cần có sự thay đổi tư duy của tất cả những người liên quan, từ người lãnh đạo đến người sử dụng.
“Trong thời đại mới, công nghệ vô cùng quan trọng nhưng không thể thay thế cái tâm của người làm báo. Vì mỗi người làm báo sẽ có nhận định khác nhau theo thế giới quan của mình. Chúng ta, những người làm báo luôn luôn phải tôn trọng sự trung thực, công bằng, và ít nhất, những điều đó hiện nay công nghệ chưa làm được” – nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Đừng mải công nghệ mà quên nền tảng kiến thức về báo chí
Nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của công nghệ trong nghề làm báo, song PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Phó trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng đừng chỉ mải nghĩ đến công nghệ mà quên mất nền tảng kiến thức về báo chí. Bởi, cốt lõi của báo chí là những vấn đề về nguyên lý và triết lý trong việc đưa nội dung nào, bằng hình thức nào để đến với công chúng, chứ không đơn giản là nắm được kỹ thuật là được.
 Nhà báo Lê Quốc Minh
“Khi nói đến làm báo là chúng ta nói đến nội dung, tổ chức sản xuất. Để sản phẩm đó đến với công chúng và tạo ra hiệu ứng xã hội tốt nhất thì chúng ta phải hình dung được công chúng của chúng ta là ai và chúng ta dùng nguyên lý gì để chọn đề tài, góc độ. Như vậy, chúng ta mới có thể đem lại sự phát triển bền vững cho báo chí Việt Nam” – PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nói.
Nói cách khác, mặc dù công nghệ là yếu tố cực kỳ quan trọng, nhưng kiến thức nền tảng về báo chí, những gì thuộc về nguyên lý của người làm báo mà bất cứ người làm báo nào cũng phải học như luật pháp, đạo đức, các thức, phương thức tiếp cận, những giá trị của sự cống hiến, lý tưởng nghề nghiệp…là những điều không thể xem nhẹ.
*Cùng ngày, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và Ban Công tác Hội – Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Gặp mặt các nữ Tổng Biên tập năm 2018”. Đây là dịp nhằm tôn vinh những đóng góp của các nữ nhà báo trong thời gian qua và đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao tiếng nói của người phụ nữ trong các cơ quan báo chí, góp phần đưa báo chí Việt Nam ngày càng phát triển và hạn chế bất bình đẳng giới trong môi trường làm báo. Đồng thời, Hội nhà báo Việt Nam đã trao 8 suất quà đến thân nhân của 8 nữ nhà báo liệt sĩ như một lời tri ân sâu sắc.