Tại Hội thảo, PGS. TS Trần Đức Hạ (Viện Kỹ thuật môi trường, Đại học Xây dựng) cho biết, đến năm 2015, cả nước có 28 hệ thống thu gom và XLNT đô thị đã được xây dựng và đi vào hoạt động với công suất 670.000 m3/ngày. Đến cuối tháng 6/2015, có 165/214 khu công nghiệp (KCN) đã có hệ thống XLNT tập trung, 24 khu công nghiệp đang xây dựng hệ thông XLNT. Tổng công suất xử lý nước thải của các nhà máy xấp xỉ 630.000 m3/ngày. Trong lĩnh vực y tế mới có 54,4,% bệnh việc có trạm XLNT. Theo PGS. TS Trần Đức Hạ, những con số trên cho thấy nhu cầu về XLNT tại Việt Nam còn rất lớn.
Theo bà Ngô Quỳnh Hoa, đại diện Công ty NGO, hiện tại các bệnh viện có trạm xử lý nước thải chủ yếu xử lý bằng bùn hoạt tính hoặc kết hợp xử lý bằng phương pháp hóa học. Các nhà máy xử lý nước thải đô thị hiện đang áp dụng các hình thức khác nhau của công nghệ xử lý bùn hoạt tính, hoặc các công nghệ xử lý đơn giản hơn là hồ yếm khí phủ bạt, chuỗi hồ sinh học, bể sục khí/hồ hoàn thiện và bể lắng hai vỏ/lọc sinh học nhỏ giọt.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
|
Các KCN đang hoạt động có hệ thống XLNT tập trung, thiết kế theo các nhóm công nghệ truyền thống với xử lý sinh học bằng bùn hoạt tính và bể lọc sinh học hay công nghệ XLNT với quá trình xử lý sinh học hiếu khí bằng hệ vi sinh vật sinh trưởng dính bám, hợp khối với các công trình xử lý khác trong bộ xử lý, công nghệ xử lý nước thải với quá trình xử lý sinh học bằng bùn hoạt tính thổi khí kéo dài.
Những công nghệ XLNT này có nhược điểm là đòi hỏi diện tích lắp đặt lớn, tiêu hao nhiều điện năng, lượng bùn tạo ra nhiều và không ổn định, màng lọc hoặc hệ thống bị tắc và bám bẩn, chi phí vận hành và bảo trì tốn kém.
Cũng theo bà Hoa, với hệ thống XMBR có thể khắc phục được hầu hết các bất cập kể trên của các công nghệ hiện nay. Hệ thống có thể ứng dụng cho các loại dự án với công suất xả thải khác nhau từ 20m3/ngày đêm trở lên và cho hầu hết các lĩnh vực như nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, nước thải sản xuất thép, nước thải dệt nhuộm, nước thải thực phẩm…
Theo Tiến sĩ Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, hiện nay lượng nước thải đô thị, bệnh viện, khu, cụm công nghiệp thải ra môi trường là rất lớn. Nhưng hiện chỉ có khoảng 10% nước thải đô thị của Việt Nam được xử lý; khoảng 30% cơ sở sản xuất công nghiệp có trạm xử lý nước thải nhưng hầu hết là vận hành theo công nghệ cũ. Với những ưu việt của công nghệ XLNT tiên tiến XMBR được giới thiệu lần đầu tiên tại Việt Nam của Công ty NGO, hy vọng mở ra một địa chỉ mới cho các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu có thể hợp tác chuyển giao công nghệ nhằm xử lý tốt vấn đề bức xúc của môi trường Việt Nam đó là XLNT.
Hệ thống XLNT XMBR do tiến sĩ, nhà khoa học người Trung Quốc Wu Hua sáng chế và phát minh. Hiện công nghệ này đã ứng dụng thành công trên 500 dự án tại Trung Quốc, Đức, Nga,... Tại Việt Nam công nghệ này do Công ty TNHH quốc tế NGO làm đại lý độc quyền giới thiệu. |