Đây là một thực tế đang diễn ra trong ngành cơ khí, nếu không sớm được giải quyết, sẽ ngày càng gây rào cản lớn cho các doanh nghiệp (DN) cơ khí vốn đang gặp không ít khó khăn trong sản xuất kinh doanh...
Chính sách đã có, vẫn khó thực hiện
Theo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), cả nước hiện có 53.000 cơ sở sản xuất cơ khí, trong đó 50% chuyên chế tạo lắp ráp, còn lại hầu hết là sửa chữa. Công nghệ chế tạo cơ khí nội địa cơ bản vẫn là chế tạo đơn giản, tụt hậu 2 - 3 thế hệ so với khu vực. Đáng kể nhất, sản xuất lắp ráp xe máy, giá thành các linh phụ kiện sản xuất trong nước khá cao, chất lượng không ổn định, khả năng cung cấp hàng hóa đúng thời hạn với số lượng lớn còn hạn chế. CN ô tô được kỳ vọng rất lớn đến năm 2010 nội địa hóa tới 40 - 60%, tự chủ công nghệ, đáp ứng 60 - 80% nhu cầu trong nước, hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, đến nay, đa số các chỉ tiêu đều không đạt được, các chi tiết phụ tùng có hàm lượng kỹ thuật cao như động cơ, hộp số đều chưa thể sản xuất trong nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng: Nhà nước đã ban hành không ít cơ chế, chính sách để thể chế hóa chủ trương phát triển CNHT cho ngành cơ khí, song hiệu quả còn hạn chế và khó áp dụng vào thực tiễn. Điển hình là Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành CNHT, trong đó có lĩnh vực cơ khí, cùng với đó là một số quyết định, thông tư... khác, khẳng định quyết tâm ưu tiên phát triển CNHT trong lĩnh vực cơ khí. Song đến nay, ngành CNHT vẫn chưa phát triển kịp so với yêu cầu.
Ông Hang Ha Ryu, Tổng Giám đốc Công ty Doosan Vina chia sẻ: Chúng tôi được Ban chỉ đạo chương trình cơ khí trọng điểm xác nhận là loại hình DN sản xuất các thiết bị cơ khí trọng điểm và 12 nhóm sản phẩm của Công ty đã được đăng ký là thiết bị sản xuất trong nước. Tại Chỉ thị 734/CT-TTg ngày 17/5/2011 đã quy định, trường hợp gói thầu EPC mà khả năng các nhà thầu trong nước đảm nhận được trên 50% khối lượng công việc thì không được tổ chức đấu thầu quốc tế mà phải đấu thầu rộng rãi trong nước. "Tuy đã có Chỉ thị nhưng các chủ đầu tư vẫn ưa mở thầu quốc tế hơn và "bỏ quên" các DN trong nước. Điều này chứng tỏ chế tài của Nhà nước chưa có hiệu quả khi thực thi" - ông Hang Ha Ryu nhấn mạnh.
Phải có sự liên kết giữa các DN, ngành công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí mới có thể phát triển tốt. Ảnh: Việt Hùng
Thắt chặt mối liên kết
Ông Phan Tử Giang, Tổng Giám đốc Công ty CP chế tạo giàn khoan dầu khí đưa ra dẫn chứng từ dự án đóng mới dàn khoan tự nâng 90m nước của DN mình: "Trong quá trình thực hiện, linh kiện chúng tôi vẫn cần các nhà cung cấp. Dự án đầu tiên đã đáp ứng được khoảng 33% nội địa hóa. Tuy nhiên, có một con số đáng giật mình là tiền mua sắm vật tư, thiết bị của các nhà cung cấp trong nước chỉ đạt 1,4 triệu USD, chiếm có 1,3% giá trị mua sắm vật tư, thiết bị và 0,8% giá trị toàn dự án. Vậy tại sao có con số khiêm tốn này? Câu trả lời chính là sự thiếu liên kết và tính bị động của các DN CNHT, dẫn đến thiếu thông tin kịp thời cho việc cung cấp sản phẩm. Cũng chính vì mạnh ai nấy làm dẫn tới thiệt hại lớn. Song đây chỉ là vướng mắc tức thời, nếu các DN đồng lòng thì có thể sớm khắc phục".
Đồng quan điểm này, ông Phan Đăng Phong, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí cho rằng, với một số dự án nhiệt điện trong nước, chúng ta hoàn toàn có thể cung cấp linh kiện, nhưng vẫn khó khăn trong khâu tham gia bởi nhiều nguyên nhân, trong đó một thực trạng là các đơn vị trong nước, dù được giao làm tổng thầu EPC nhưng vẫn tách thành các gói thầu nhỏ để đấu thầu quốc tế, dẫn tới các DN trong nước không tham gia được. Thiếu liên kết đã dẫn tới việc các DN tự thu hẹp "sân chơi" của chính mình.
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển CNHT cho ngành cơ khí, cần đảm bảo hai yếu tố: Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp lý để hỗ trợ tối đa cho DN; và chính bản thân DN cần quyết tâm đầu tư. Trong đó, yếu tố liên kết giữa các DN cơ khí là rất cần thiết, bởi đây đang chính là điểm yếu cơ bản. Hiện việc chế tạo thiết bị hỗ trợ vẫn "mạnh ai nấy làm", đầu tư chồng chéo và chưa có phân công chuyên môn hóa nên hiệu quả kinh tế không cao. Đặc biệt, Hiệp hội Cơ khí chưa phát huy được vai trò "nhạc trưởng" để kết nối DN trong chế tạo thiết bị hỗ trợ.
Bộ Công Thương nên đánh giá lại kết quả 10 năm thực hiện chiến lược phát triển cơ khí, bởi con số thực tế đạt được còn rất khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Các chính sách hỗ trợ cho ngành cơ khí đã có, nhưng chưa đủ mạnh, còn chung chung nên các DN hầu hết vẫn phải "tự bơi". Tại sao chỉ một việc cấm sử dụng điện thoại di động ở cửa hàng bán xăng, đã được quy định trong cả một Nghị định, trong khi việc phát triển CNHT cho cơ khí là cả một lĩnh vực kinh tế rất quan trọng, đến nay chưa hề có một Nghị định nào? Bà Trần Thị Hường Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu |