Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nhận về kinh tế thị trường Việt Nam-Mông Cổ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hai nước Việt Nam-Mông Cổ công nhận lẫn nhau có quy chế kinh tế thị trường là một bước triển khai quan trọng Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Mông Cổ, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.

Nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Mông Cổ, ngày 7/12, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam Dorj Enkhbat và nhận công hàm của Bộ Ngoại giao Mông Cổ về việc hai nước công nhận lẫn nhau quy chế kinh tế thị trường đầy đủ.

Cùng ngày, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ cũng đã trao cho Quốc vụ khanh bạn công hàm với nội dung tương tự.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trong gần 60 năm qua, đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
 
Công nhận về kinh tế thị trường Việt Nam-Mông Cổ - Ảnh 1
 
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam Dorj Enkhbat và nhận Công hàm của Bộ Ngoại giao Mông Cổ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh việc hai nước công nhận lẫn nhau có quy chế kinh tế thị trường là một bước triển khai quan trọng Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Mông Cổ, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.

Đại sứ Dorj Enkhbat khẳng định Mông Cổ luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi việc hai nước cùng công nhận quy chế kinh tế thị trường của nhau là một biện pháp thiết thực góp phần làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam và Mông Cổ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.

Hai bên nhất trí cho rằng việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của nhau là một quyết định có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại còn nhiều tiềm năng giữa Việt Nam và Mông Cổ, hiện mới đạt gần 20 triệu USD.

Việc nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mông Cổ, công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cho thấy sự ủng hộ rộng rãi của các nước đối với sự nghiệp Đổi mới và chủ trương hội nhập quốc tế sâu và toàn diện của Việt Nam, đồng thời thể hiện sự coi trọng vị thế quốc tế ngày càng nâng cao của Việt Nam./.