Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công tác dự báo của Thể thao Việt Nam có vấn đề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối cùng thì thể thao Việt Nam (TTVN) đã không thể hoàn thành chỉ tiêu giành từ 2 - 3 HCV tại ASIAD 17. Với gần 200 VĐV dự tranh ở 21 môn thi đấu nhưng cuối cùng, chúng ta chỉ giành được 1 tấm HCV.

Thất bại cay đắng này cho thấy rất nhiều những tồn tại ở ngành thể thao, trong đó có công tác xây dựng kế hoạch và dự báo về thành tích.

Trong bức tranh có gam màu tối của đoàn TTVN tại sân chơi châu lục thì bóng đá nữ Việt Nam chính là điểm sáng. Lần đầu tiên một đội bóng của Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á đã giành quyền đến chơi ở vòng bán kết ASIAD. Thành công ấy cho thấy sự thăng tiến không ngừng của bóng đá nữ Việt Nam ở đấu trường lớn, đồng thời mở ra cơ hội phát triển cho sân chơi nữ khi VFF có thêm quyết tâm và nguồn lực từ ngân sách cũng như các nhà tài trợ để xây dựng lực lượng cho tương lai. Điển hình là việc, UBND Hà Nội đã quyết định thưởng cho đội tuyển nữ Việt Nam 1 tỷ đồng. Quan trọng hơn, từ sự ghi nhận này, bóng đá nữ Hà Nội, nguồn cung lớn nhất về nhân lực cho ĐTQG sẽ được đầu tư nhiều hơn trong thời gian tới.
Trưởng đoàn Lâm Quang Thành trả lời báo chí. Ảnh: Quang Thắng
Trưởng đoàn Lâm Quang Thành trả lời báo chí. Ảnh: Quang Thắng
Thế nhưng, ít người biết rằng, suýt chút nữa bóng đá nữ Việt Nam đã không được đăng ký tham dự ASIAD do được nhận định là khó giành huy chương. Tuy nhiên, trước sự phản đối gay gắt từ lãnh đạo Tổng cục TDTT, đặc biệt là VFF, vào phút chót mới quyết định cử đội tuyển nữ tham dự sân chơi châu lục.

Đánh giá quá thấp trình độ của bóng đá nữ Việt Nam. Không có được cái nhìn thực tế về trình độ chung của bóng đá nữ châu lục cũng như những cơ hội có thể đến khi các cô gái của chúng ta bước ra sân chơi lớn cho thấy những hạn chế về công tác dự báo về chuyên môn của ngành thể thao. Và không chỉ có bóng đá nữ, nhiều môn thể thao khác cũng lâm vào tình trạng “không biết người, biết ta” để rồi trả giá đắt bằng việc không hoàn thành chỉ tiêu.

Nhiều người cảm thấy ngạc nhiên khi TTVN tham dự ASIAD với một đội ngũ khá hùng hậu nhưng chỉ đặt một mục tiêu vàng khiêm tốn. Thế nhưng, với những người am hiểu tình hình thì biết, đoàn TTVN đang thực hiện chiến thuật “núp gió” bởi họ sợ “nói trước, bước không qua”. Nghĩa là đoàn TTVN có thể giành số HCV nhiều hơn nhưng họ vẫn đặt chỉ tiêu thấp để không bị áp lực thành tích và nếu vượt mốc thì lại được vinh danh. Bằng chứng là trước giờ lên đường, các nhà chuyên môn của đoàn TTVN tính toán rằng, họ có thể giành HCV ở 9 môn thể thao.

Thế nhưng cuối cùng những niềm hy vọng vàng của TTVN chỉ mang về bạc, đồng, thậm chí là trắng tay khi đối đầu với đối thủ mạnh. Sở dĩ có sai số quá lớn về thành tích là do TTVN chỉ quan tâm đến phong độ hiện tại của mình mà quên mất đối thủ đã ở một trình độ khác. Đơn cử việc, người ta hi vọng các nhà vô địch thế giới như Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn (cử tạ)… nhưng quên mất rằng các VĐV này bước lên ngôi vị cao nhất ở những giải đấu mà đối thủ cố tình ém quân. Để rồi, tại ASIAD, khi các đoàn đưa tinh binh vào thi đấu, các niềm hy vọng của TTVN bị bỏ quá xa về thành tích.

Mọi thất bại đều mang đến những bài học kinh nghiệm quý báu. Nhưng nếu không thay đổi được tư duy đầu tư, nghiêm túc trong việc xây dựng kế hoạch thì mãi mãi TTVN chẳng bao giờ hội nhập được với thể thao trình độ của thế giới phát triển.