Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công tác quản lý sau cai nghiện ma túy: Hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ B93

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình Câu lạc bộ (CLB) B93 trên địa bàn TP Hà Nội đã tạo môi trường thuận lợi và nâng cao hiệu quả công tác quản lý sau cai nghiện ma túy (CNMT). Tuy nhiên, mô hình này rất cần có sự điều chỉnh trong cách tổ chức, sinh hoạt để tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng CNMT.

Cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng đạt 104,5%
Tội phạm ma túy và người nghiện ma túy vẫn có diễn biến phức tạp. Số người nghiện ma túy tổng hợp (ATS) và các chất hướng thần tiếp tục gia tăng. Ước tính, số người sử dụng ma túy ATS chiếm 70 – 80%; tỷ lệ người loạn thần cao 9,7 lần số người không sử dụng ATS; tỷ lệ người sử dụng ma túy vi phạm pháp luật phạm tội hình sự cao (34% tổng số người phạm tội).
Để nâng cao công tác CNMT và quản lý sau cai, sau khi TP Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội – Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, tập huấn mô hình “Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng – CLB B93” cho đại diện Ban chỉ đạo 138; Công chức Văn hóa – Xã hội; Đội trưởng, đội phó đội Công tác xã hội tình nguyện; Tình nguyện viên tham gia Ban chủ nhiệm CLB B93.
 Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, tập huấn mô hình Câu lạc bộ B93 nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý sau cai tại cộng đồng. Ảnh: Trần Oan
Tại Hội nghị ngày 2/11, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Văn Lập đã thông tin về kết quả CNMT trên địa bàn Hà Nội trong 10 tháng năm 2021. Theo đó, TP Hà Nội đã CNMT tại gia đình, cộng đồng cho 1.150/1.100 người (đạt 104,5%), tăng 206 người so cùng kỳ năm 2020; cai nghiện tự nguyện tại cơ sở CNMT công lập cho 1.653/2.100 người (đạt 78,7%); cai nghiện bắt buộc: 1.024/900 người (đạt 113,8%), tăng 51 người so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù năm 2021 dịch bệnh Covid-19 phức tạp, công tác CNMT tại gia đình và cộng đồng gặp khó khăn nhưng đến giữa tháng 10 đã đạt 104,5% so với kế hoạch TP giao, cho thấy mô hình CLB B93 phù hợp và hiệu quả khi được các địa phương triển khai nghiêm túc. “Mô hình CLB B93 tạo môi trường thuận lợi và nâng cao hiệu quả công tác quản lý sau CNMT. Thông qua mô hình CLB B93, người sau CNMT được tham gia vào tổ chức xã hội, chia sẻ và đón nhận sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức, cá nhân.
Những địa phương có CLB B93, sau 5 năm hoạt động, tỷ lệ tái nghiện giảm rõ rệt, ví dụ phường Ngọc Lâm, Ngọc Thụy thuộc quận Long Biên. Không chỉ vậy, người sau CNMT khi tham gia CLB B93 còn có cơ hội tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sau CNMT (phòng chống Lao, HIV/AIDS, thẻ bảo hiểm y tế,...” - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Văn Lập nhận định.

Phát huy vai trò của Ban chủ nhiệm câu lạc bộ

Tại thời điểm hiện nay, khi TP Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, các CLB B93 đã trở lại hoạt động định kỳ trực tiếp mỗi tháng một lần. Ngoài ra, các thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB B93 còn đến nhà hội viên thăm hỏi, chia sẻ, nắm bắt tâm tư tình cảm. Bà Nguyễn Thị Minh Phúc – Thành viên CLB B93 phường Đức Giang, quận Long Biên chia sẻ: “CLB B93 phường Đức Giang hiện có 13 thành viên đi CNMT về và 4 người trong Ban chủ nhiệm. Ngoài sinh hoạt trực tiếp tại CLB, có tháng tôi đi đến nhà hội viên 5 lần để nắm bắt tâm tư, tình cảm, hỏi thăm công việc để có hướng tư vấn, giúp đỡ.
CLB B93 hoạt động thuận lợi và có hiệu quả một phần do sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương; các buổi sinh hoạt CLB đều có sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND phường”. Cùng với việc duy trì sinh hoạt trực tiếp cộng với tuyên truyền phòng chống ma túy qua zalo và các kênh khác, Ban Chủ nhiệm các CLB B93 đang tích cực phát triển hội viên mới cũng như dần điều chỉnh hoạt động để mang lại hiệu quả cao hơn.
Đội trưởng Đội Công tác xã hội tình nguyện phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng Nguyễn Xuân Luật cho biết công tác vận động người sau CNMT tham gia vào CLB B93 còn khó khăn do việc thuyết phục còn hạn chế. Vì thế, Ban chủ nhiệm CLB B93 mong muốn chính quyền địa phương lãnh đạo và chỉ đạo sâu sát; cảnh sát khu vực nhiệt tình tham gia thì các buổi sinh hoạt của CLB mới có chất lượng hơn về số lượng và chất lượng.

Hướng đến hoạt động chuyên nghiệp

Năm 2021, các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đăng ký duy trì 37 CLB B93 nhưng đến nay đã phát triển lên 58 CLB. Mô hình CLB B93 đã giúp cho hội viên được kết nối các dịch vụ sau cai nghiện, tâm lý ổn định, giảm tỷ lệ tái nghiện cũng như tạo việc làm. Mô hình này cũng góp phần nâng chất lượng và hiệu quả của công tác CNMT tại gia đình và cộng đồng, tuy nhiên mô hình này có những hạn chế.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Văn Lập chỉ ra: Hoạt động của CLB B93 đòi hỏi tính chuyên nghiệp, thế nhưng đội ngũ tham gia hiện nay chủ yếu là lòng nhiệt tình, thiếu sự ổn định. Trong khi đó, công tác chỉ đạo, quan tâm phát triển các hoạt động CLB chưa đúng mức, nhất là những địa bàn phức tạp, nhiều người nghiện ma túy.
Việc xã hội hóa chương trình quản lý sau CNMT thông qua hỗ trợ hoạt động CLB B93 còn rất hạn chế. Vì thế, trong giai đoạn 2021 – 2025 cần phải củng cố, kiện toàn lại Ban chủ nhiệm các CLB B93; vận động hội viên mới. Đội ngũ tham gia vào Ban chủ nhiệm CLB B93 ngoài lòng nhiệt tình rất cần có kiến thức cơ bản về điều trị nghiện; có kỹ năng tiếp cận, kỹ năng hỗ trợ người sau CNMT hòa nhập cộng đồng.