Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công trình mang nhiều dấu ấn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 21/10, tuyến đường Vành đai 3 trên cao đoạn từ Linh Đàm đến Mai Dịch - tuyến giao thông huyết mạch quan trọng của thủ đô Hà Nội sẽ chính thức được thông xe.

Sự kiện này vừa góp phần giảm tải ùn tắc nội đô, vừa thể hiện bước tiến quan trọng của ngành GTVT khi tất cả các gói thầu của công trình đều về đích trước từ 5 đến 15 tháng.

Về đích sớm

Dự án đường Vành đai 3, giai đoạn 2 được xây dựng theo cấp đường cao tốc đô thị, tốc độ thiết kế đạt 100km/h, có mặt cắt ngang 4 làn xe, tổng mức đầu tư trên 5.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2013. Nhưng với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GTVT cũng như sự cố gắng nỗ lực của các nhà thầu, dự án đã hoàn thành trước tiến độ 9 tháng.

Công trình mang nhiều dấu ấn - Ảnh 1

Đường Vành đai 3 trên cao đưa vào sử dụng là động lực để Hà Nội phát triển vững vàng trong tương lai.Ảnh: Minh Tuân

Ông Vũ Xuân Hòa, Tổng Giám đốc Ban QLDA Thăng Long, đại diện chủ đầu tư cho biết, tới thời điểm này, ngoài gói thầu số 3 Thanh Xuân - Bắc hồ Linh Đàm đã thông xe, đưa vào khai thác ngày 30/6, vượt tiến độ 5 tháng, 2 gói thầu còn lại sẽ chính thức thông xe vào ngày 21/10 và có thể khai thác triệt để vào cuối năm 2012. Cụ thể, gói thầu số 1 (đoạn Mai Dịch - Trung Hòa) rút ngắn tiến độ 8 tháng.

Gói thầu số 2 (đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân), rút ngắn tiến độ 15 tháng. Đây là thành quả đáng ghi nhận của các đơn vị tham gia, đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ công trình. Ngay sau khi thông xe, tuyến đường sẽ được tổ chức khai thác ngay, giúp các phương tiện tham gia giao thông không phải đi vào các đường gom, góp phần đáng kể giảm ùn tắc và TNGT tại Hà Nội.

Tham gia công trình từ khi mới bắt đầu, ông Hiroaki Mukaichi, Tư vấn trưởng Dự án đường Vành đai 3 cho biết: "Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi thấy dự án đã hoàn thành. Theo tôi, có nhiều yếu tố giúp dự án hoàn thành vượt tiến độ, nhưng quan trọng nhất, việc triển khai công tác GPMB của dự án rất thuận tiện, đây là điều kiện quan trọng giúp công trình hoàn thành sớm hơn dự kiến. Thứ hai là các nhà thầu đã đặt ra mục tiêu hoàn thành và huy động hết khả năng, nhân lực máy móc thi công. Ở dự án này, nhà thầu đã huy động gấp đôi nhân lực để thi công nhiều hạng mục hoàn thành trước thời hạn".

Công trình mang nhiều dấu ấn - Ảnh 2

Đường Vành đai 3 trên cao đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội.Ảnh: Minh  Tuân

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Giám đốc Ban điều hành Cienco 4 cho biết: "Đây là một trong những công trình lớn của Thủ đô mà Cienco 4 được tham gia thi công. Qua công trình này chúng tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm về thi công cầu đường, thi công trong vùng nội đô trọng điểm, đội ngũ kỹ sư cũng trưởng thành hơn. Tôi rất vinh dự và tự hào là những người được đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào một công trình lớn ở Thủ đô."

Kinh nghiệm để thi công các công trình tiếp theo

Theo ông Motononi Tsuno, Trưởng Đại diện của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, tiến độ công trình là một trong những yếu tố quan trọng đánh giá hiệu quả nguồn tài chính do JICA tài trợ. "Việc dự án đường Vành đai 3 hoàn thành vượt tiến độ là bài học kinh nghiệm cho nhiều dự án khác ở Việt Nam. Từ đó có thể nâng hiệu quả đầu tư các dự án công ở Việt Nam". Còn đại diện CIENCO 4 cho biết, đơn vị thi công và hoàn thành gói thầu trước 9 tháng giúp tiết kiệm khoảng 5 tỷ đồng tiền quản lý, vốn quay vòng, giảm lãi suất ngân hàng. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công eo hẹp thì việc phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư tại dự án này là rất quan trọng.

 Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng: "Cơ chế thưởng tiến độ, là động lực lớn, có lợi cho dự án, tạo ra nguồn thu nhập tốt hơn cho người lao động, cơ chế thưởng này nằm trong quy định của Nhà nước. Quy định này đã có từ lâu nhưng bây giờ Bộ GTVT mới triển khai và sẽ phát triển ở mức độ rộng hơn". Cũng theo ông Trường, tới đây, để giải quyết vấn đề chậm tiến độ, Bộ GTVT sẽ có cơ chế buộc các đơn vị hoàn thành đúng tiến độ trước khi nghĩ đến việc rút ngắn tiến độ.

Việc tuyến đường cao tốc đô thị đầu tiên của Việt Nam về đích sớm và khẩn trương được đưa vào sử dụng đã để lại nhiều dấu ấn. Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, đây là một kỳ tích đối với ngành giao thông nước ta, vốn luôn bị gán cho tiếng xấu là thi công "rùa". Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, việc công trình trọng điểm này vượt tiến độ đã giúp nguồn vốn được quay vòng nhanh, đồng nghĩa với hiệu quả trong đầu tư xây dựng hạ tầng được nâng cao và toàn xã hội sẽ được hưởng lợi từ những công trình đậm dấu ấn này.

58 năm sau ngày giải phóng, Hà Nội đã trở thành một đô thị hiện đại và năng động, xứng tầm là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá của cả nước nói riêng và khu vực nói chung. Trong bối cảnh đó, con đường mới trên cao được đưa vào sử dụng sẽ là động lực để Hà Nội phát triển vững vàng trong tương lai.

 

Đường Vành đai 3 Hà Nội dài 65km, đi qua các huyện Sóc Sơn, Từ Liêm, các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai và 2 huyện Gia Lâm, Đông Anh. Dự án được kết hợp nhiều tuyến đường có sẵn như đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, Phạm Văn Đồng, Khuất Duy Tiến, cầu cạn Pháp Vân, cầu Thanh Trì, QL1A mới đoạn từ cầu Thanh Trì đến Ninh Hiệp. Trong đó đoạn đi trên cao có chiều dài 8,9 km, gồm 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp. Đường Vành đai 3 có 3 cây cầu lớn Thăng Long, Thanh Trì và Phù Đổng. Dự kiến đến năm 2016, tuyến Vành đai 3, kết hợp với các tuyến Vành đai 1, 2 sẽ hoàn chỉnh toàn hệ thống đường vành đai của Hà Nội.