Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia với 100 triệu dân, đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trước lo ngại một bộ phận lớn người dân chưa tiêm chủng có thể dẫn đến sự xuất hiện các biến thể kháng vaccine, qua đó khiến dịch bùng phát mạnh hơn.
Người dân Congo chờ khám tại một cơ sở y tế tại thành phố Beni, Congo. Nguồn: AP |
Theo Bloomberg, Congo có tỷ lệ dân số đã được tiêm phòng thấp nhất trong số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với chỉ 140.000 liều đã tiêm tính đến ngày 8 tháng 10.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc tiêm phòng chậm là do sự chần chừ của chính phủ từ động thái từ chối vắc-xin AstraZeneca vào tháng 7, cũng như sự thờ ơ của các chính trị gia trong việc ủng hộ vaccine.
Richard Mihigo, người đứng đầu chương trình về tiêm chủng và phát triển vaccine tại văn phòng Châu Phi của WHO, cho biết tốc độ tiêm chủng của Congo là rất đáng lo ngại. “Sự từ chối vaccine AstraZeneca trước đó đã làm dấy lên sự nghi ngờ về tiêm chủng ở người dân. Đồng thời cũng có rất ít sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền trong nỗ lực kêu gọi tiêm chủng”, ông nói.
Mặc dù hiện tại chính phủ đã tăng cường nhập khẩu vaccine và các chính trị gia cao cấp cũng bắt đầu thay đổi quan điểm về vaccine, nhưng chiến dịch tiêm chủng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Congo dù có diện tích tương đương với khu vực Tây Âu, nhưng với hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, vấn đề hậu cần hay công tác tiêm chủng trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Bên cạnh đó, dù là một trong những quốc gia có lượng khoáng sản dồi dào, nhưng đất nước này vẫn vô cùng đói nghèo và phải phụ thuộc vào nguồn tài trợ nước ngoài cho chi tiêu chăm sóc sức khỏe.
Theo đại diện Bộ Y tế Congo, nước này đặt mục tiêu sẽ hoàn thành tiêm cho 1/4 số người trưởng thành vào cuối năm sau, con số này kì vọng sẽ lên tới 45% vào cuối 2023. Để so sánh, hiện Vương quốc Anh đã hoàn tất tiêm cho 68% dân số và hiện đang triển khai việc tiêm mũi tăng cường.
Jean-Jacques Muyembe, một nhà nghiên cứu vi rút Ebola nổi tiếng, người đang dẫn đầu cuộc chiến chống lại Covid-19 của Congo, cho biết: “Thách thức lớn nhất là sự không tin tưởng của công chúng vào vaccine, người dân ở đây đang nghi ngờ chính sự tồn tại của đại dịch này”.
Để cố gắng giải quyết vấn đề trên, chính phủ đã có kế hoạch đưa trực tiếp hình ảnh Tổng thống Felix Tshisekedi tiêm mũi thứ 2 trên truyền hình quốc gia. Đồng thời họ cũng sẽ triển khai các phòng khám di động để tiêm phòng tại 15 trong số 26 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
Tính đến ngày 13/10, thống kê chính thức từ giới chức Congo cho biết đã có 57.269 ca nhiễm và 1.089 ca tử vong, tuy nhiên đại diện WHO cho rằng con số thực tế có thể còn cao hơn do năng lực hạn chế của hệ thống y tế trong quá trình truy vết và xét nghiệm.