Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Coworking Space đang chờ “bùng nổ”?

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019 được đánh giá là năm bản lề cho sự bùng nổ của phân khúc bất động sản văn phòng chia sẻ (Coworking Space) bởi nhu cầu thuê mặt bằng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam tăng cao.

Thị trường tăng trưởng mạnh
Số liệu thống kê từ Hiệp hội BĐS Việt Nam, thời gian gần đây số lượng Coworking Space tại Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là từ năm 2017, khi “phong trào” khởi nghiệp (start-up) bùng nổ, kéo theo đó là nhu cầu thuê văn phòng làm việc có diện tích vừa phải, được trang bị những tiện ích làm việc cơ bản, như: bàn, ghế, máy in, máy photo... tăng cao, từ đó tạo nên làn sóng đầu tư Coworking Space.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, chỉ trong vòng 2 năm số lượng sản phẩm Coworking Space trên cả nước đã tăng thêm 62%, nhiều đơn vị cung cấp Coworking Space lớn của thế giới đã có mặt tại Việt Nam, như:  Regus, Toong,  Up, mới đây nhất là: mới là NakedHub, CoGo và WeWork. Ucommune, JustCo, the Hive…
Số lượng đơn vị kinh doanh Coworking Space tăng đột biến từ 17 lên 40 hãng, tổng diện tích khoảng 30.000m2 sàn vào năm 2017, lên trên 90.000m2 hiện nay, chủ yếu tập trung ở các thị trường lớn là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng.
Theo chuyên gia tư vấn đầu tư bất động sản Nguyễn Quốc Dũng, những biểu hiện của thị trường và xu hướng sử dụng coworking space tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện nay, giúp cho người đầu tư có thể nhận ra tiềm năng của loại hình này. Trong quá trình đầu tư, nên quan tâm các vấn đề về pháp lý, vị trí, tiện ích sao cho hiệu quả nhất với dòng vốn. Vốn đầu tư cho loại hình này khá cao nên cần phối hợp với một đơn vị tư vấn tài chính, đầu tư bất động sản để đạt lợi nhuận cao nhất.
 Văn phòng chia sẻ đang chờ thời cơ bùng nổ.
“Coworking space tại nước ta hiện nay chưa phổ biến vì loại hình này quá mới mẻ, chưa có nhiều nguồn cung. Tuy nhiên, đặc điểm người lao động tại nước ta lại rất phù hợp với loại hình coworking space. Việt Nam hiện có khoảng 60 triệu người dưới 35 tuổi, là độ tuổi lao động đề cao tính sáng tạo, năng động, ưa dịch chuyển và thích tương tác. Do đó, nhiều chuyên gia nghiên cứu bất động sản dự đoán TP Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ sớm bắt nhịp với Coworking Space” - ông Dũng nói.
Địa điểm là chìa khóa thành công
Theo dự báo của CBRE, đến năm 2030 thị trường Đông Nam Á sẽ chiếm khoảng 15% thị phần Coworking Space của thế giới. Các thương hiệu lớn đang tập trung tìm kiếm thị trường mới mà điểm đến là Việt Nam, Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia)...
Sau khi đạt mức tăng trưởng hơn 7% vào năm 2017, thị trường văn phòng Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững mức phát triển vào năm 2018 và được kì vọng vào sự bứt phá kỉ lục trong năm 2019 cũng như thời gian tới. Việc phân tích nhu cầu văn phòng, vạch ra kế hoạch phía trước và quản lý chi phí thuê tương lai một cách hiệu quả chính là những điểm cốt yếu mà khách thuê cần quan tâm thực hiện, nhiều ý kiến ghi nhận.
Trong đó, sự bùng nổ của mô hình Coworking Space cũng đã đặt ra một dấu ấn và cột mốc mới cho thị trường văn phòng. Coworking Space không chỉ là việc chia sẻ kết cấu hạ tầng hay chi phí mà còn là việc hòa nhập và thuộc về một cộng đồng.
Theo chuyên gia Đỗ Tuấn Trường, mấu chốt để thành công trong kinh doanh Coworking Space đó chính là vị trí, địa điểm. Mô hình này chỉ thực sự phát triển ở những TP lớn, những địa phương có du lịch - thương mại phát triển. Cùng với đó là vấn đề về vị trí cũng hết sức quan trong, quyết định sự thành công hay không của một dự án.
“Những TP lớn là địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, ở đó có nhiều cơ hội việc làm, kinh doanh và các hoạt động dịch vụ sẽ là môi trường lý tưởng cho Coworking Space phát triển. Khi lựa chọn được địa điểm rồi thì vị trí cũng đóng vai trò quan trọng không kém, Coworking Space phải là một không gian làm việc thuận tiện về giao thông đi lại, an toàn và dễ tìm, đồng thời phải đảm bảo có giá thuê rẻ nhất” - ông Trường chia sẻ.