Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CPI cả năm dự báo tăng thấp: Lo nhiều hơn mừng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông thường, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng cuối năm tăng, thậm chí là tăng khá, nhưng năm nay có diễn biến hoàn toàn ngược lại, đòi hỏi phải có biện pháp điều hành linh hoạt.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, CPI cả năm 2014 chỉ quanh ngưỡng 3%.
CPI cả năm dự báo tăng thấp: Lo nhiều hơn mừng - Ảnh 1
Thưa ông, CPI tháng 11 của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều giảm lần lượt ở mức 0,36% và 0,3% so với tháng trước cho thấy điều gì?

- Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, CPI của cả 2 TP lớn giảm do những tác động của việc giảm giá gas và xăng dầu trong thời gian qua. Điều này cũng sẽ tác động khiến khả năng CPI tháng 11 của cả nước sẽ tăng ở mức rất thấp, thậm chí là giảm (theo tính toán sẽ giảm 0,2%).

Ông dự báo thế nào về CPI tháng 11 và tháng cuối năm 2014?

- Thông thường, CPI những tháng cuối năm thường tăng do vào mùa cao điểm nhu cầu tiêu dùng và sản xuất thường tăng. Nhưng năm nay đi ngược lại quy luật. Với việc giá xăng dầu tiếp tục giảm thêm 1.140 đồng/lít vào hôm 22/11 vừa qua thì CPI tháng 12 chắc chắn sẽ không có gì đột biến, dự báo cả năm 2014 chỉ tăng khoảng 3%.

CPI tăng thấp hơn so với kế hoạch ảnh hưởng thế nào tới tăng trưởng, thưa ông?

- Hết quý III, GDP có mức tăng trưởng 5,62%. Do đó, mục tiêu tăng trưởng 5,8% của năm 2014 đã trong tầm tay, nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối tiếp tục tăng vào cuối năm. Tuy nhiên, lạm phát giảm lúc này có 2 mặt, cả tích cực và tiêu cực. Thông thường CPI biến động từ 4,5 - 5% thì lưu thông bình thường. Còn nếu dự báo CPI cả năm dừng ở mức 3%, chưa bằng nửa chỉ tiêu Quốc hội đặt ra thì không phải là tích cực. Lúc này, sức mua kém, tồn kho cao, cầu đầu tư giảm, tiêu dùng tăng chậm, tác động trực tiếp đến DN, việc làm, thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế.
CPI năm 2014 tăng quá thấp một phần do sức mua thấp.      Ảnh: Trần Việt
CPI năm 2014 tăng quá thấp một phần do sức mua thấp. Ảnh: Trần Việt
Ông có đánh giá gì về tình hình kinh tế năm tới?

- Trong năm 2015, nhiều thách thức của nền kinh tế cần được xử lý: Tăng trưởng vẫn dưới tiềm năng, DN phá sản còn lớn, nợ xấu tiếp tục ở mức cao, đặc biệt nợ công có xu hướng tăng cao… Ngoài ra, một trong những khó khăn lớn nhất của nền kinh tế là thị trường bất động sản vẫn chưa tháo gỡ được. Những thách thức của nền kinh tế vẫn đặt ra trước mắt.

Theo ông, có cần tính đến gói hỗ trợ kinh tế?

- Hiện nay có quan điểm cho rằng, Chính phủ cần tính tới gói hỗ trợ kinh tế thông qua kích cầu để sớm cải thiện tình hình và ổn định lạm phát trong tương lai. Tuy nhiên, quan điểm kích thích nền kinh tế hay không thì đầu tiên vẫn phải tạo ra năng suất, chất lượng tốt, cải thiện môi trường đầu tư, chứ đầu tư kém hiệu quả thì sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn.

Cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất, song song với việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn; hỗ trợ cho nông dân về giá nông sản; giảm lãi suất và tiếp tục hỗ trợ DN, người sản xuất tiếp cận vốn vay ngân hàng… Hiện nay, lãi suất cho vay trung hạn ở mức 8 - 12%/năm, vẫn rất khó khăn cho DN đầu tư sản xuất. Muốn phục vụ nền kinh tế tái cấu trúc và phục hồi, theo tôi, phải giảm được lãi suất cho vay trung và dài hạn. Giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn sẽ đem lại lợi ích lâu dài vì tạo điều kiện cho DN đổi mới công nghệ, thay đổi cơ cấu sản xuất, thích nghi tình hình thị trường.

Đang có thực tế là số DN làm ăn tốt, ngân hàng thiện chí cho vay thì không dùng hết khoản tín dụng được cấp, trong khi số DN nhỏ và vừa đang khát vốn thì không phải là đối tượng ngân hàng hướng tới. Thực chất ở đây có vấn đề năng lực thẩm định của cán bộ tín dụng ngân hàng còn hạn chế, ngoài ra còn có vấn đề không muốn rủi ro của các ngân hàng. Vì vậy, cần có quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo hiểm tín dụng DN nhỏ và vừa để tạo cú hích.

Lạm phát thấp sẽ tạo dư địa để thực hiện các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô lớn như tiền tệ, giá cả. Theo ông, đây có phải là thời điểm thuận lợi để thực hiện lộ trình tăng giá một số loại hàng hóa hay chưa?

- Cần phải nhìn nhận rằng, bối cảnh giảm CPI đang diễn ra không phải do năng suất, chất lượng mà do tồn kho lớn, nợ xấu cao, tổng cầu giảm là điểm nghẽn trong thị trường hiện nay. Chính vì sức mua kém, tổng cầu kinh tế giảm mạnh nên sản xuất đình trệ, giá cả không thể lên được. Do đó, thực hiện lộ trình tăng giá lúc này là không nên. Nếu điều chỉnh tăng giá sẽ càng làm cạn kiệt sức mua, từ đó không có khả năng phục hồi sản xuất.