Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CPI tháng 10 tăng thấp nhất trong 15 tháng qua: Vẫn chưa hết nỗi lo lạm phát

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10 tăng 0,36% so với tháng 9. Như vậy xét theo thời gian, CPI tháng 10/2011 đã tiếp tục đà tăng chậm lại trong mấy tháng trước đó và tăng thấp nhất trong 15 tháng qua, tính từ tháng 8/2010.

Đây cũng là tốc độ tăng thấp so với tốc độ tăng của tháng 10 cùng kỳ trong 2 năm trước (tháng 10/2009 tăng 0,37%, tháng 10/2010 tăng 1,05%).

Thực phẩm, lãi suất giúp "làm nguội" CPI

Xét theo nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, tốc độ tăng giá của tháng 10 đều thấp hơn của tháng 9, thậm chí một số nhóm, giá còn giảm so với tháng trước. Thực phẩm - mặt hàng có tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị tiêu dùng - sau một số tháng, giá tăng mạnh và ở mức cao, từ vài tháng nay đã giảm xuống (tháng 9 giảm 0,28%, tháng 10 giảm 0,49%). Dịch vụ bưu chính viễn thông nhờ cạnh tranh, đổi mới kỹ thuật - công nghệ và nguồn cung ứng dồi dào,… nên giá tiếp tục giảm 0,17%,… Dịch vụ giao thông cũng đã giảm nhẹ (0,13%) cùng với sự giảm xuống của giá xăng, dầu,…

Nguyên nhân tăng chậm lại của CPI trong tháng 10 có nhiều. Trước hết, đây là kết quả tích cực của nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Rõ nhất là về tiền tệ. Với nhiều giải pháp, mặt bằng lãi suất đã giảm xuống. Lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng đã được đưa về mức 14%/năm (từ 1 tháng trở lên) và 6%/năm (đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng). Lãi suất cho vay ổn định trong tháng 7, tháng 8, từ nửa đầu tháng 9 đến nay có xu hướng giảm - lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu phổ biến ở mức 17 - 19%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 17 - 21%/năm, lĩnh vực phi sản xuất 22 - 25%/năm. Tổng số dư tiền gửi đến 23/9 tăng 9,82% so với cuối năm trước, nhưng giảm 1,07% so với cuối tháng trước. Tín dụng đối với nền kinh tế đến 23/9 tăng 8,16% so với cuối năm trước, nhưng giảm 0,94% so với tháng trước. Tổng phương tiện thanh toán tăng 8,87% so với cuối năm trước, nhưng giảm 0,86% so với tháng trước. Sản xuất nông nghiệp được mùa, đạt kỷ lục về sản lượng. Sản xuất công nghiệp duy trì được tốc độ tăng. Tồn kho giảm. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố giá, đã thấp xa so với cùng kỳ năm trước, chậm lại nhanh qua các tháng từ đầu năm đến nay và thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (3,9% so với 5,76%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nếu loại trừ yếu tố giá, đã giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách giảm sâu hơn (khoảng 8 - 9%).

Vẫn phải chú ý đến "liều lượng"

CPI tháng 10 tăng thấp nhất trong 15 tháng qua: Vẫn chưa hết nỗi lo lạm phát - Ảnh 1

Nguồn số liệu: TCTK

Tuy tăng chậm lại, nhưng nếu tính theo năm (tức tháng 10/2011 so với tháng 10/2010) CPI đã tăng 21,59% và nếu tính bình quân 10 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước đã tăng 18,5%. Đó là những tốc độ tăng rất cao so với các nước, so với mục tiêu ban đầu. Vì vậy, chưa thể lơi lỏng, mà vẫn phải coi kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên. Mục tiêu lạm phát theo điều chỉnh của năm nay là 18%, đạt được cũng không dễ; mục tiêu của năm 2012 là dưới 10% cũng sẽ rất khó khả thi, bởi ngoài những yếu tố tiềm ẩn, như hiệu quả đầu tư còn thấp, năng suất lao động thấp, bội chi ngân sách tuy giảm nhưng vẫn còn lớn; nhập siêu từ vài tháng nay tăng lên, giá vàng, giá USD còn cao…, còn có một số yếu tố trực tiếp tác động ở phía trước. Nhu cầu đầu tư, tiêu dùng vào cuối năm thường cao, nhất là năm nay, Tết Nguyên đán đến sớm hơn năm trước. Giá gạo thế giới tăng cao, kéo giá gạo trong nước lên theo; trong khi thiên tai diễn ra ở cả 3 miền, trong khi xuất khẩu gạo năm nay đạt được kỷ lục cả về lượng, cả về kim ngạch,…; trong khi thời kỳ giáp hạt còn dài,… Thêm vào đó, mới đây, EVN đã đề nghị được điều chỉnh tăng giá điện. Điều quan trọng là nền kinh tế Việt Nam đang phải đứng trước các mục tiêu mà sự lựa chọn không dễ dàng: Vừa phải kiềm chế lạm phát với hiệu ứng phụ là sự đình trệ, vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô và cả hai mục tiêu này đều liên quan đến mục tiêu thứ ba là bảo đảm an sinh xã hội. Vấn đề là sử dụng "liều lượng" của giải pháp, tránh "giật cục", bảo đảm tính thị trường, quan trọng nhất là lòng tin của người dân.