Kết quả trên giúp cho CPI trong 11 tháng qua của cả nước vẫn giữ được mức tăng thấp 5,5% so với tháng 12/2012 và tăng 6,65% so với bình quân 11 tháng cùng kỳ năm 2012.
Theo đánh giá của các chuyên gia tổ điều hành thị trường trong nước, trong tháng 11 đã có cả các yếu tố gây tăng giá và yếu tố làm giảm giá. Chính vì vậy, CPI tháng 11 năm 2013 tăng thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
CPI tháng 11 tăng ở 9/11 nhóm trong rổ hàng hóa và dịch vụ chung với mức tăng từ 0,07-0,62%; trong đó, mức tăng lớn nhất thuộc về nhóm hàng ăn và dịch vụ, tăng thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Riêng nhóm giao thông và bưu chính viễn thông giảm nhẹ, lần lượt là 0,34% và 0,02%.
Ảnh minh họa.
|
Chỉ ra nguyên nhân tăng CPI tháng 11, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng cho biết, do mưa bão, lũ lụt tại miền Trung đã gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp khiến 2.422ha diện tích lúa ngập, hư hỏng và 54.942ha diện tích mầu ngập và hư hỏng đã làm cho giá lương thực, thực phẩm tăng khá cao.
Theo đó, giá lương thực tháng 11/2013 tăng 1,29% so với tháng trước. Giá gạo ở các tỉnh phía Bắc tiếp tục tăng khá mạnh, do ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt nên nguồn cung bị thiếu hụt. Giá gạo tẻ tại các tỉnh phía Nam bắt đầu tăng lên từ 100-200 đồng/kg, do các thương lái thu gom phục vụ xuất khẩu và vận chuyển gạo ra các tỉnh phía Bắc.
Cụ thể chỉ số giá các mặt hàng gạo như sau: Gạo tẻ thường tăng 1,58%; Gạo tẻ ngon tăng 1,46%; gạo nếp tăng 0,88%.
Mưa lớn gây úng nhiều nơi đã ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ sinh trưởng của cây trồng nên sản lượng rau xanh bán ra thị trường giảm đáng kể làm cho giá rau xanh tăng 1,76%.
Đặc biệt, tháng 11 đang là thời điểm giao mùa nên giá một số mặt hàng và dịch vụ may mặc; thiết bị đồ dùng sưởi ấm trong nhà tăng. Thêm vào đó là nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa tăng cũng làm giá một số vật liệu xây dựng và dịch vụ nhà ở tăng.
Hiện, nhu cầu sửa chữa nhà cửa cuối năm tăng nên giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,33%; giá vật liệu xây dựng tăng 0,37% do tăng chủ yếu ở một số mặt hàng như sơn tường, cát, đá tăng nhẹ, còn các mặt hàng ximăng, sắt thép giá ổn định do nguồn cung khá dồi dào.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố khiến CPI tăng, thì cũng có một số yếu tố góp phần kìm hãm giá cả tăng cao như nguồn cung hàng hóa cơ bản được đảm bảo; giá xăng dầu được điều chỉnh giảm từ ngày 11/11/2013 mỗi lít xăng dầu bán lẻ giảm 250 đồng/lít cộng với hiệu ứng của đợt giảm ngày 7/10/2013 nên chỉ số giá xăng dầu giảm 0,86%.
Ngoài ra, yếu tố cơ bản vẫn là người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu khi thu nhập eo hẹp và mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp.
Trong tháng 11, giá vàng đã giảm 1,04% do giá vàng thế giới giảm. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới hơn 4 triệu đồng/lượng. Giá USD trên thị trường cũng giảm nhẹ 0,10% so với tháng trước.