Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CPI tháng 8 tăng nhẹ: Còn dư địa trong điều hành lạm phát

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công bố của Tổng cục Thống kê ngày 24/8 cho thấy, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,1%, ngược chiều với tốc độ giảm 0,07% của cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng bình quân tháng trong 7 tháng đầu năm (0,35%).

Tính chung 8 tháng, CPI tăng 2,58% - cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ 2014 (1,83%) và 2015 (0,79%).

Nhiều yếu tố tác động tốt

Từ những số liệu trên cho thấy, trong 8 tháng qua, CPI bình quân mỗi tháng tăng gần 0,32%. Theo đó, có thể dự báo CPI cả năm sẽ thấp hơn tốc độ tăng theo Nghị quyết của Quốc hội (dưới 5%). Dự báo này xuất phát từ dư địa còn lại trong 4 tháng cuối năm là 2,36%, bình quân một tháng tăng 0,58%. Trong khi đó, những yếu tố tác động giúp CPI tăng chậm trong 8 tháng sẽ tiếp tục diễn ra trong 4 tháng cuối năm. Trong đó phải kể đến những yếu tố sau:
Chọn mua hàng hóa tại siêu thị Big C. Ảnh Hoài Nam
Chọn mua hàng hóa tại siêu thị Big C. Ảnh Hoài Nam
Giá nhập khẩu tính bằng USD vẫn còn giảm, trong khi tỷ giá VND/USD tháng 8/2016 so với tháng 12/2015 giảm 1,07%, nên giá nhập khẩu giảm, góp phần làm giảm áp lực chi phí đẩy. Trong quan hệ cung - cầu, tuy cầu tăng cao hơn tổng cung, nhưng quy mô của tổng cầu vẫn còn thấp, thể hiện ở chỗ chuyển từ nhập siêu trong cùng kỳ năm trước (3.915 triệu USD) sang xuất siêu trong kỳ này (2.255 triệu USD). Về tiền tệ - tín dụng, ngày 29/7/2016 so với cuối năm 2015, tốc độ tăng huy động vốn cao hơn tốc độ tăng tín dụng (tương ứng huy động tổng số tăng 9,94%, riêng VND tăng 12,28%, dư nợ tín dụng tăng 8,54%); Nợ xấu ngân hàng giảm gần 60.000 tỷ đồng do các ngân hàng đã sử dụng một phần dự phòng rủi ro để xử lý (7,24 nghìn tỷ đồng), một phần chuyển sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC (8,88 nghìn tỷ đồng) phần lớn do khách hàng trả nợ (30,98 nghìn tỷ đồng). Về ngân sách, khả năng bội chi ngân sách/GDP năm nay sẽ thấp hơn năm trước (6,11%), có thể thấp hơn mục tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra (4,95%) do 6 tháng đầu năm mới ở mức 4,57%. Trong khi việc xử lý bội chi chủ yếu bằng vay trong nước và vay nước ngoài, tuy có làm tăng nợ công nhưng không gây áp lực ngay đối với lạm phát. Về tâm lý, giá vàng trong nước tăng, nhưng chủ yếu do tăng theo giá thế giới, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới giảm thiểu và không bị tác động cộng hưởng của giá USD.

Và những kịch bản cho CPI cả năm

Căn cứ quan trọng để đưa ra những khuyến cáo trong điều hành lạm phát những tháng cuối năm xuất phát từ yêu cầu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Mặc dù Bộ KH&ĐT đưa ra 3 phương án tăng trưởng, nhưng Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng cao nhất. Một mặt để làm tiền đề thực hiện các mục tiêu khác trong năm, mặt khác để ngăn chặn nguy cơ tụt hậu xa hơn, nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình. Yêu cầu tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải có lượng vốn đầu tư và tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cao hơn; Tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng (là những yếu tố gây áp lực lên lạm phát) cao hơn. Yêu cầu tăng trưởng kinh tế đòi hỏi tăng trưởng tín dụng sẽ cao lên. Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán 7 tháng đầu năm nay tăng 9,45% - vừa cao hơn cùng kỳ các năm trước (năm 2011 tăng 3,57%, năm 2012 tăng 6,81%, năm 2013 tăng 7,51%, năm 2014 tăng 6,85%, năm 2015 tăng 6,3%) vừa cao hơn tốc độ tăng tín dụng.

Một yếu tố trực tiếp gây sức ép lên lạm phát là việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, với liều lượng không nhỏ, diễn ra ở nhiều địa phương, các trường đại học, cao đẳng. Tổng cục Thống kê dự báo xu hướng tăng trong những tháng cuối năm như sau: Nếu giá dầu trung bình 50 USD/thùng, 55 USD/thùng và 60 USD/thùng thì tác động CPI lần lượt sẽ là 0,3%, 0,6%, 0,9%. Việc tăng giá dịch vụ đợt 2 dự kiến làm tăng 1,94%. Việc tăng giá dịch vụ giáo dục làm tăng 0,36%. Tổng hợp lại sẽ tăng 2,6 - 3,2%, tính ra cả năm sẽ tăng 5,01 - 5,63%. Ngoài ra, yếu tố cầu kéo, gồm vốn đầu tư công (còn gần 2/3 kế hoạch); tiêu dùng cuối cùng do tăng lương... Bên cạnh đó, còn có những diễn biến đã qua và những diễn biến bất thường về thời tiết, môi trường... CPI 8 tháng đầu năm nay cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Tuy nhiên, người viết dự báo CPI cả năm chỉ vào khoảng 4%.