Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CPI thấp, GDP tăng cao: Dấu hiệu tích cực của nền kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 24/12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,02% so với tháng 11, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân năm 2015 so với năm 2014 tăng 0,63%.

Kết quả này đánh dấu mức tăng CPI thấp nhất trong vòng 14 năm qua, và cũng thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu 5% đề ra từ đầu năm.

Lạm phát thấp không phải do sức mua giảm

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm tăng với mức tăng không đáng kể: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; Đồ uống và thuốc lá; May mặc, mũ nón, giày dép; Nhà ở và vật liệu xây dựng; Thuốc và dịch vụ y tế; Giáo dục; Hàng hóa và dịch vụ khác. Có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm giá: Bưu chính viễn thông; Giao thông, Văn hóa, giải trí và du lịch; Thiết bị và đồ dùng gia đình.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 tăng 0,02% so với tháng trước.  	Ảnh: Linh Anh
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 tăng 0,02% so với tháng trước. Ảnh: Linh Anh
Chia sẻ về diễn biến CPI trong năm 2015 và dự báo năm 2016, bà Vũ Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) khẳng định: “Lạm phát năm 2015 thấp không phải do sức mua giảm sút mà do chi phí đẩy tăng thấp thông qua việc quản lý chặt các mặt hàng thiết yếu”. Những tháng gần đây, sức mua của người dân đang tăng, trong khi các chi phí sản xuất thấp là yếu tố rất có lợi cho DN và nền kinh tế.

Trả lời câu hỏi vì sao CPI thực tế năm 2015 thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra, bà Thủy cho biết, trong năm đầu của kế hoạch 5 năm (2010 - 2015), lạm phát tăng khá cao (trên 18%) và thường kéo dài khá lâu nên Quốc hội đặt ra mục tiêu lạm phát năm nay 5%.

Trong khi đó, với băn khoăn liệu lạm phát thấp có ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định: “Giá chỉ là một yếu tố kích thích các nhà sản xuất, yếu tố sức mua mới là quan trọng”. Khi CPI tăng thấp, chi tiêu của người dân không bị ảnh hưởng nhiều, từ đó làm tăng tổng cầu, khiến nền kinh tế vẫn tăng trưởng. Chính vì vậy, giá ổn định, tổng cầu tăng là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng bền vững. Ông Lâm ví dụ: “Nếu bán 5 sản phẩm lãi mỗi cái 1,5 đồng chắc chắn không bằng bán được 10 sản phẩm lãi mỗi cái 1 đồng”.

CPI năm 2015 tăng thấp, song theo đại diện Tổng cục Thống kê, chu kỳ CPI thấp thường không kéo dài. Vì vậy, năm 2016 với việc xuất hiện nhiều yếu tố tăng (học phí, dịch vụ y tế và một số dịch vụ công đều tăng; điều chỉnh giá điện; tăng lương cơ sở từ 1/5)... thì CPI cả năm sẽ tăng cao trở lại. Do đó, nếu Chính phủ không có điều hành phù hợp thì rất có thể CPI sẽ tăng mạnh. Nhưng tình hình cũng không quá đáng ngại vì bên cạnh những yếu tố khiến CPI tăng trở lại vẫn có một số yếu tố “ghìm” CPI tăng không cao, chẳng hạn như giá xăng dầu được dự báo tiếp tục giảm do sản lượng dầu thô của thế giới đang tăng mạnh; giá nông sản thế giới cũng được dự báo giảm do các đối thủ cạnh tranh gay gắt.

GDP tăng trưởng chất lượng

Những năm trước để có được tăng trưởng cao thì lạm phát cũng phải cao, nhưng năm 2015, nền kinh tế đã không phải “đánh đổi” giữa GDP và lạm phát. “Đây là thành công của nền kinh tế, cho thấy sự điều hành hết sức linh hoạt của Chính phủ” - bà Thủy nhìn nhận. Khuyến nghị trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới, bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho hay, lạm phát cao vẫn luôn tiềm ẩn, do đó đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì vẫn phải tiếp tục theo đuổi mục tiêu lạm phát thấp để duy trì tăng trưởng ổn định. Bình luận thêm về mối quan hệ giữa GDP và lạm phát, ông Lâm khẳng định, đây là mối quan hệ phi tuyến tính. Nếu như ở các nước phát triển, mức lạm phát trên 10% được cho là phù hợp với tăng trưởng, thì với các nước đang phát triển như Việt Nam lạm phát dưới 7 - 8% mới là phù hợp cho tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá về tác động của các hiệp định thương mại tự do tới tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, không cần quá lo ngại về tình hình nhập siêu, vì 80 - 90% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là tư liệu sản xuất, do đó nhập siêu không làm giảm GDP mà ngược lại có tác dụng tốt cho nền kinh tế. “Vấn đề là chúng ta phải phát triển công nghiệp hỗ trợ để hạn chế sự phụ thuộc khi hội nhập. Chính phủ cần có giải pháp cụ thể cho vấn đề này” - ông Lâm nhấn mạnh.