KTĐT - Chiều cuối năm, ngôi nhà cấp 4 nằm bên dòng sông Đáy (thôn Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa, Mỹ Đức, Hà Nội) vắng bóng người. Trong nhà hầu như không có gì đáng giá ngoài hàng trăm con rối đủ loại xếp trật cứng cùng một bể nước khoảng 4m3 xây ngay giữa nhà và hàng chục bằng khen, giấy khen treo kín tường.
Đôi tay thoăt thoắt điều khiển con rối, miệng hát vang vở “Lý Thường Kiệt đọc hịch”, dù đã 90 tuổi, cụ Phạm Văn Bể (Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn hào hứng với môn nghệ thuật múa rối không khác gì những thanh niên trai trẻ.
Chiều cuối năm, ngôi nhà cấp 4 nằm bên dòng sông Đáy (thôn Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa, Mỹ Đức, Hà Nội) vắng bóng người. Trong nhà hầu như không có gì đáng giá ngoài hàng trăm con rối đủ loại xếp trật cứng cùng một bể nước khoảng 4m3 xây ngay giữa nhà và hàng chục bằng khen, giấy khen treo kín tường. Nghe tiếng người, chủ nhà đầu quấn khăn đỏ, râu bạc trắng, bước từ sau nhà vào chào khách bằng nụ cười tươi rói.
86 tuổi, ông Phạm Văn Bể đã có 53 năm gắn bó với phường rối Tế Tiêu. Ông nói, nghề chơi rối của đất Tế Tiêu đã có từ hơn 400 năm. Gia phả còn lưu giữ ở đình làng nói rõ, năm Hưng Phúc 1573, một vị quan là ông Trần Triều Đông Hải đã về lập làng Tế Tiêu, mang theo nghề múa rối truyền dạy cho người dân. Nghề múa rối bắt đầu từ đó.
Say mê múa rối từ năm lên 8 tuổi, ông Bể theo thầy Lê Đăng Nhượng học nghề. Được một thời gian ngắn thầy vỡ nợ, bỏ làng đi, phường rối tan rã. Năm 1956, Nhà nước có chính sách phục hồi những môn nghệ thuật truyền thống, đội hát tuồng, chèo của thôn được tập hợp lại tại nhà ông. Mẹ ông vốn có giọng hát tuồng nổi tiếng đã cùng ông dạy tuồng, chèo cho các thành viên trong đội. Lúc ấy, ông chợt nghĩ: “Chèo, tuồng đã được khôi phục, tại sao mình không phục hồi con rối?”.
Nói là làm, ông lại thêm quyết tâm khi thầy Nhượng trở về làng, giúp sức. Nhưng người yêu rối và biết biểu diễn rối nước trong vùng ít quá. Hai thầy trò bắt đầu nghĩ cách “đưa con rối lên cạn”. Sau bao ngày trằn trọc, những con rối lại thỏa sức tung hoành trên những tấm phông vải.
Ông kể, lúc ấy, hàng ngày mẹ ông thổi cơm, vợ đi gánh thuê nuôi chồng, còn ông thì hì hụi làm rối. Đến lúc không còn tiền để làm nữa, ông kéo cả 10 người trong nhà đi làm thuê, từ cửu vạn, kéo xe ba gác, bốc ván dưới bè… Cả ruộng khoai lang nhà ông cũng được đồ dần lên cho anh em tập múa rối ăn. Có chiếc xe đạp duy nhất của gia đình, ông cũng đem cưa ra để làm súng, làm xe tăng phục vụ múa rối.
Ấy vậy mà khi bọn giặc tràn đến, chúng đã cướp bóc, phá cả con rối khiến ông tiếc ngẩn ngơ, chẳng thiết ăn uống. Rồi ông lại bắt tay vào khắc phục, làm những con rối mới. Ông bán hết đồ đạc, từ xe cộ, soong nồi lấy tiền mua gỗ, mua sơn làm rối, liên hoan cho anh em.
Ông dựa vào thói quen, tập quán của nhân dân để viết các trò rối. Lời hát thì dựa trên những câu hát ví, dặm chốn đồng quê. “Khó khăn, vất vả nhiều nhưng phường rối Tế Tiêu đã được ủng hộ nhiệt tình. Đi đến đâu, người đến xem đông. Có lần ở Chùa Hương, đoàn của tôi đã phải nới vòng ra để dân vào xem”, ông cười.
Năm 2001, được Cục nghệ thuật, Bộ văn hóa thông tin ủng hộ, ông Bể đã quyết định phục hồi nghệ thuật rối nước. Ông xây một thủy đình trong nhà để phục vụ biểu diễn. Người đến xem rối nước của ông ngày một đông. Nhiều đoàn khách nước ngoài cũng lặn lội tìm về Tế Tiêu để xem ông biểu diễn và mua những con rối về làm kỷ niệm.
Ông cho biết: “Điểm độc đáo của phường rối Tế Tiêu là con rối có thể biểu diễn cả ở trên cạn và dưới nước. Quan trọng không phải là con rối được làm thế nào mà là do tay nghề của người điều khiến chúng”.
Tài sản lớn nhất đời ông Bể là hàng trăm con rối đủ loại. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Với kinh nghiệm hơn nửa đời người làm môn nghệ thuật truyền thống này, ông cho biết: “Người nghệ sĩ phải có độ tinh tế rất cao từ khâu tạo hình cho các nhân vật rối. Phải khéo léo và có sự phối hợp nhịp nhàng với bạn diễn. Dù là rối que, rối dây hay rối sào, khi sáng tạo cũng phải đặc biệt chú ý tới việc đẽo gọt, chăm chút phần gương mặt và các khớp chi của con rối, giúp rối cử động linh hoạt”.
Không chỉ giữ hồn cho phường rối Tế Tiêu, ông Bể còn là người “truyền lửa” cho những người dân đam mê với môn nghệ thuật này. Đã có lần ông đưa một lớp học sinh đi thi và đoạt giải nhất miền Bắc. Những người hàng xóm được ông tỷ tê cũng tham gia phường rối. Con, cháu trong gia đình ông đều đam mê và sẵn sàng đi theo ông đến nhiều nơi để biểu diễn. “Trai, gái, dâu, rể, cháu trai, cháu gái nhà này đều biết múa rối hết. Mỗi khi được nghỉ học, nghỉ làm chúng lại về đi diễn cùng tôi”, ông tâm sự.
Chuẩn bị cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Bể ấp ủ mong ước được trưng bày, giới thiệu với đông đảo du khách trong và ngoài nước 1.000 con rối các loại. Hiện người con trai cả của ông đang xây thêm một thủy cung lớn hơn ở ngôi nhà mới nhằm thỏa mãn niềm mong mỏi phổ biến rộng rãi rối nước đến đông đảo người dân.
Mới đây, ông Bể vừa được nhận bằng khen, phường rối Tế Tiêu cũng đã được công nhận là một Chi hội múa rối của Liên chi hội múa rối Việt Nam. “Khi nào còn sức thì tôi còn múa rối. Chímh môn nghệ thuật này giúp tôi khỏe mạnh hơn bởi những tràng pháo tay của khán giả là những liều thuốc bổ quý giá”, ông thổ lộ.