KTĐT - “Một chân của em bước được lên xe rồi, còn tay trái đã kịp bám vào cửa xe. Lúc này xe buýt đóng sầm cửa khiến chân em bị nghiến đau điếng, giật mình buông tay ra rồi ngã ngửa xuống đường, lúc đó cánh cửa vẫn kẹt vào chân.
“Cánh cửa xe buýt bật ra, em ngã xuống đường lúc đó người vẫn bình thường. Không hiểu tại sao xe lại lùi bánh, cán nát đùi em”, Nguyễn Thị Hương, cô sinh viên trường ĐH Công Đoàn bị chiếc xe buýt cán nát đùi ngày 2/11 nhớ lại.
Hai ngày sau khi bị xe buýt cán vào người, Nguyễn Thị Hương (sinh viên năm thứ 2 Đại học Công Đoàn) vẫn nằm bất động tại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Xanh Pôn, thỉnh thoảng thều thào nói được vài câu với người thân. Ngoài chân và tay trái bị bó bột, từ chân đến đầu bị trầy xước khá nặng. “Xương chậu bị dật nát, còn xương hông và tay trái đều bị gãy. Bác sĩ bảo phải đợi ít nhất 3 tháng nữa mới biết được cháu có thể đi lại được hay không. Còn việc học hành chắc phải xin nhà trường cho bảo lưu”, nước mắt lưng tròng bà Hoàng Thị Mây kể về hoàn cảnh cô con gái của mình.
Nhà nghèo, bố lại mất cách đây vài năm, gánh nặng học hành của Hương đổ dồn lên đôi vai người mẹ. Biết tin con bị tai nạn, bà Mây bủn rủn cả người, vội vàng đi vay hàng xóm được hơn 1 triệu đồng để bắt xe khách từ Thuỷ Nguyên, Hải Phòng mang lên viện lo thuốc thang cho con. Còn ở trên Hà Nội, 2 anh chị của Hương chạy vạy khắp nơi vay được hơn chục triệu đóng tiền viện phí. “Từ hôm con gái bị tai nạn, chưa thấy lái xe có động thái gì hỏi thăm hay giúp đỡ gia đình vượt qua nỗi đau”, bà Hương tham phiền.
Toàn thân đau nhức, gượng mãi Hương mới nói được với chúng tôi vài câu. Hương cho biết, thường ngày em vẫn bắt xe buýt số 02 tuyến Kim Mã - Văn Điển xuống Đại học Công Đoàn. “Thỉnh thoảng xe lăn bánh ra khỏi bến, thấy xe mở cửa em đuổi theo lái xe vẫn cho lên bình thường. Nhiều lần thành quen, hôm ấy cũng vậy nhưng chẳng hiểu tại sao lái xe lại đóng cửa”, Hương cho biết.
“Một chân của em bước được lên xe rồi, còn tay trái đã kịp bám vào cửa xe. Lúc này xe buýt đóng sầm cửa khiến chân em bị nghiến đau điếng, giật mình buông tay ra rồi ngã ngửa xuống đường, lúc đó cánh cửa vẫn kẹt vào chân. Khi có ai đó ở bên đường kêu lên, lái xe mở cánh cửa ra em rơi xuống đường, người em vẫn hoàn toàn bình thường, nhưng chẳng hiểu tại sao lái xe lại lùi lại khiến bánh xe cán vào người em”, Hương nhớ lại.
Giám đốc Xí nghiệp xe buýt Hà Nội Nguyễn Việt Triều cho biết, đây là lỗi của cả 2 bên. Theo quy định của không chỉ riêng của xe buýt mà đối với bất cứ loại ô tô nào khi chuyển động đều không được mở cửa đón trả khách dọc đường. Xe bắt đầu chuyển bánh hành khách không được bấu víu lên cửa xe. “Qua việc tường thuật của cán bộ đội xe thì đây là việc thiếu quan sát. Khi lái xe biết có người bị kẹt đã vội vàng mở cửa, nạn nhân rơi xuống đường và bị lốp sau kẹt vào”, ông Triều nói.
Hiện trường vụ tai nạn
“Khi xe đang chuyển bánh từ trong bến ra, không biết bạn sinh viên này tai sao lại vội vàng đuổi theo chạy lên xe. Lúc xe chuyển bánh rồi lái xe phải đóng cửa, quan sát trước sau trong mọi tình huống thì sẽ không dẫn đến tai nạn đáng tiếc”, ông Nguyễn Việt Triều tiếp. Ông cũng cho biết, sau khi tai nạn, đã chỉ đạo lái xe Tuấn Anh vào viện chăm sóc nạn nhân. Chi phí đền bù sau này do cơ quan chức năng quyết định. Còn chiếc xe đang bị công an tạm giữ.
Theo ông Triều việc xử lý lái xe như thế nào Xí nghiệp xe buýt Hà Nội đang đợi cơ quan chức năng điều tra. Nếu vi phạm nhẹ, lái xe sẽ bị xử phạt hành chính, còn nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.