Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cử tri cần cân nhắc thận trọng trước khi cầm bút thể hiện quyền của mình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/5, cử tri cả nước sẽ tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Đây là một sự kiện chính trị lớn có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước, là cơ hội để cử tri thể hiện quyền, trách nhiệm của người công dân, trực tiếp góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Kiểm tra hòm phiếu trước ngày bầu cử. Ảnh: TTXVN
Kiểm tra hòm phiếu trước ngày bầu cử. Ảnh: TTXVN
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trả lời các phóng viên thông tấn, báo chí về những điểm cử tri cần lưu ý khi đi bầu cử.

- Thưa Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, vừa qua khi tham gia vào các cuộc giám sát chuẩn bị bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, ông thấy các địa phương chuẩn bị công tác bầu cử như thế nào?

Ông Trần Thanh Mẫn: Có thể nói, đến nay, các địa phương đã triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 51-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử và Thông tri số 07 /TTr-MTTW-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của Mặt trận về việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm 2016 - 2021.

Với tinh thần trách nhiệm cao, triển khai kế hoạch cụ thể, các địa phương đã có sự phân công chỉ đạo từng địa bàn cụ thể, có nhiều cách làm mới, sáng tạo.

Qua kiểm tra, giám sát cho thấy công tác chỉ đạo ở các địa phương diễn ra đúng thời gian, có chất lượng và đảm bảo đúng luật.

Qua 3 lần hiệp thương cho thấy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia vào công tác bầu cử rất trách nhiệm và đúng theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Hiện, các địa phương đã niêm yết danh sách cử tri; các cuộc tiếp xúc vận động bầu cử cơ bản đã hoàn thành.

Các địa phương đang tích cực triển khai công tác tuyên truyền vận động mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về ý nghĩa của ngày bầu cử - là ngày hội thực sự của toàn dân để vận động cử tri đi bầu đúng, bầu đủ, đảm bảo chất lượng hiệu quả bầu cử thời gian tới.

- Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân vừa được thông qua năm 2015 với những điểm mới. Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký có lưu ý gì đối với các cử tri khi đi bầu cử theo quy định của luật?

Ông Trần Thanh Mẫn: Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra tốt đẹp, trước hết, các cấp chính quyền ở địa phương cần rà soát danh sách cử tri, phát thẻ cử tri ở tại gia đình, kiểm tra từng hộ khẩu ở gia đình xem ai đã nhận được thẻ cử tri và ai chưa nhận được.

Thứ hai, gia đình cần báo cáo với chính quyền địa phương về số cử tri trong gia đình mình đảm bảo có mặt vào ngày 22/5 để ngày bầu cử là dịp để mỗi công dân có thể thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình là đi bầu trực tiếp, bầu đúng, bầu đủ số lượng như đã quy định của Ủy ban bầu cử ở địa phương.

Các cử tri trước khi đi bầu, đến điểm bầu cử, cần rà soát lại danh sách trích ngang của từng ứng cử viên để so sánh, lựa chọn được người có đủ đức, đủ tài, đủ trình độ năng lực làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Khâu chọn lựa quyết định hết sức quan trọng đối với mỗi cử tri khi đến bỏ phiếu cần cân nhắc thận trọng trước khi cầm bút thể hiện quyền của mình, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để lựa chọn chính xác, tránh tình trạng cử tri đến bầu cử không nghiên cứu kỹ, dẫn đến tình trạng gạch những người đúng yêu cầu mình lựa chọn.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và cử tri đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát việc thực hiện lời hứa của người ứng cử nếu trúng cử. Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có những hoạt động gì để thực hiện vai trò này, thưa Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký?

Ông Trần Thanh Mẫn: Ủy ban Mặt trận Tổ Việt Nam các cấp đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa những người ứng cử với cử tri; để người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc, báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình, nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu trúng cử; trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Hoạt động vận động bầu cử là dịp để cử tri của địa phương hiểu và biết rõ hơn về người ứng cử như: về tiểu sử, năng lực trình độ của người ứng cử...

Qua đó, cử tri cân nhắc, quyết định chọn lựa; gửi gắm tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của mình với Đảng và Nhà nước, trên các lĩnh vực của đời kinh tế-  xã hội.

Trong quá trình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có vai trò trực tiếp giám sát hoạt động của những người ứng cử thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri và phương tiện thông tin đại chúng; về trách nhiệm tổ chức vận động bầu cử của các cơ quan, đơn vị, trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.

Việc giám sát này phải đảm bảo hướng tới sự công bằng, bình đẳng, khách quan, trung thực. Nhìn lại thực tế qua nhiều kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trước đây, đa số người ứng cử sau khi trúng cử đã cố gắng thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc lời hứa của mình trước cử tri khi trúng cử.

Tuy nhiên, cũng còn một số đại biểu sau khi trúng cử đã làm chưa tốt, chưa đúng lời hứa của mình.

Đông đảo cử tri mong muốn, lời hứa của người trúng cử phải được bảo đảm ở mức cao nhất, phải thể hiện được tinh thần, trách nhiệm của đại biểu đối với lời hứa của mình, điều đó mới khẳng định được uy tín của đại biểu trước cử tri "nói phải đi đôi với làm."

Làm thế nào để bảo đảm lời hứa của người ứng cử trước cử tri được thực hiện một cách đầy đủ, hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin của cử tri, nhân dân, tạo đồng thuận xã hội? - luôn là câu hỏi, trăn trở của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thời gian qua.

Các văn bản hiện hành đã xác định cơ chế thực hiện trách nhiệm của đại biểu và vai trò giám sát của cử tri, cơ quan, tổ chức có liên quan nhưng những quy định này cũng chưa thực sự đủ mạnh, chưa mang lại hiệu quả như mong đợi của cử tri.

Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính dáng của nhân dân, xây dựng Đảng, Nhà nước, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần được phát huy, để làm tốt hơn nữa hoạt động giám sát việc thực hiện lời hứa của người ứng cử nếu trúng cử.

Dự kiến, thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ nghiên cứu xây dựng sáng kiến pháp luật, theo đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội dự án Luật giám sát của nhân dân, trong đó có quy định về vai trò, trách nhiệm, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện việc giám sát lời hứa của đại biểu dân cử với cử tri.

- Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký.