Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cử tri huyện Đông Anh kiến nghị sớm triển khai dự án Công viên Kim Quy

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 11/6, tại huyện Đông Anh (TP Hà Nội), Tổ đại biểu HĐND TP – Đơn vị bầu cử số 21 đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Đông Anh trước Kỳ họp thứ 17, HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Tổ đại biểu HĐND TP Hà Nội - Đơn vị bầu cử số 21, gồm: Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Đô thị HĐND TP Đoàn Việt Cường.

Đại biểu Đoàn Việt Cường trình bày tóm tắt kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong 6 tháng đầu năm 2024.
Đại biểu Đoàn Việt Cường trình bày tóm tắt kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong 6 tháng đầu năm 2024.

Thay mặt Tổ đại biểu, trình bày báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, đại biểu Đoàn Việt Cường cho biết, trong 6 tháng đầu năm tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn rủi ro tới sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu. Trong nước, TP Hà Nội đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2024.

Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 04/CTr-UBND, với 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành thực hiện 24 chỉ tiêu, 85 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 94 nhiệm vụ cụ thể gắn liền với trách nhiệm, tiến độ hoàn thành của từng sở, ban, ngành, địa phương nên tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của TP duy trì ổn định, đạt được một số kết quả tích cực.

Cử tri Nguyễn Như Quỳnh kiến nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện.
Cử tri Nguyễn Như Quỳnh kiến nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện.

Cụ thể, tổng thu ngân sách trên địa bàn TP là 233.175  tỷ đồng, đạt 57,1% dự toán, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng chi ngân sách địa phương 36.417 tỷ đồng, đạt 24,9% dự toán đầu năm, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó chi đầu tư phát triển 15.089 tỷ đồng, đạt 18,6% dự toán, tăng 29,6% so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi, tăng khá cao so với cùng kỳ và kế hoạch. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 8.663 triệu đô la Mỹ, tăng 8,8% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 20.926 triệu đô la Mỹ, tăng 13,8%; vốn đầu tư xã hội đạt 208.784 tỷ đồng, tăng 9,55% cao hơn so với cùng kỳ năm 2023; chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh, cao hơn mục tiêu cả năm, CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 5,31% (cùng kỳ tăng 1,52%; mục tiêu năm 2024 là dưới 4%), ước tính 6 tháng, chỉ số CPI tăng 5,28  5,35%.

Tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn trong quý II/2024 ước tăng 6,44% (quý I/2024 tăng 5,5%, kịch bản quý II tăng 6,2 – 6,7%). Trong đó, dịch vụ tăng 7,15%, công nghiệp – xây dựng tăng 5,57%, thuế sản phẩm tăng 4,65%, nông – lâm nghiệp – thủy sản tăng 1,9%. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của TP ước tăng 6% cao hơn cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển ổn định; công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng hệ thống giao thông, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, cải cách hành chính, quốc phòng – an ninh được củng cố và đẩy nhanh...

Trình bày kiến nghị tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Như Quỳnh (xã Vĩnh Ngọc) cho biết, trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc có sự hiện diện của nhiều dự án trong điểm quốc gia như: Công viên Kim Quy, Thành phố thông minh... tuy nhiên công tác triển khai đầu tư xây dựng diễn ra khá chậm. Đặc biệt là dự án Công viên Kim Quy, về cơ bản chủ đầu tư đã được giao mặt bằng nhưng sau 8 năm thực hiện tiến độ rất chậm.

“Đề nghị đại biểu HĐND TP – Tổ đại biểu số 21, có ý kiến với các cơ quan chức năng của TP có biện pháp để đẩy mạnh triển khai dự án Công viên Kim Quy. Riêng đối với dự án Thành phố thông minh, đến nay, xã Vĩnh Ngọc đã giải phóng mặt bằng và bàn giao được khoảng 200ha, nhưng một số xã liên quan vẫn chưa hoàn thành, đề nghị có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Vì những dự án này khi đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tạo việc làm, tăng thu nhập...” – cử tri Nguyễn Như Quỳnh nói.

Cử tri Hoàng Công Tuy kiến nghị về việc không tổ chức thu vé thăm quan tại Lễ hội Cổ Loa.
Cử tri Hoàng Công Tuy kiến nghị về việc không tổ chức thu vé thăm quan tại Lễ hội Cổ Loa.

Cùng đó, cử tri Hoàng Công Tuy (xã Cổ Loa) cho biết, tại Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về việc bán vé thăm quan tại các khu di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP. Dù nhận định đây là việc làm cần thiết để tạo nguồn kinh phí bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các khu di tích, đồng thời nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân khi đến thăm quan, tưởng niệm..., tuy nhiên, ông vẫn kiến nghị về việc không tổ chức thu vé thăm quan tại Lễ hội Cổ Loa. 

“Lễ hội Cổ Loa là lễ hội đặc biệt, được thực hiện theo nghi lễ thờ Đức Vua An Dương Vương, các cổng chính của đền, đình phải được mở thể hiện sự đón rước tôn kính theo nghi lễ triều đình, nhưng vì lý do bán vé thu tiền nên Ban Quản lý di tích phải đóng hết các cổng chính, điều này ảnh hưởng đến ý nghĩa về mặt tâm linh và không đúng với phong tục tập quán của Nhân dân địa phương. Vì vậy, chúng tôi đề nghị không bán vé vào khu di tịch quốc gia đặc biệt Cổ Loa từ Mùng 1 – 6 âm lịch hàng năm” - cử tri Hoàng Công Tuy kiến nghị.

Đại biểu Lê Trung Kiên - Bí thư Huyện ủy Đông Anh tiếp thu các ý kiến.
Đại biểu Lê Trung Kiên - Bí thư Huyện ủy Đông Anh tiếp thu các ý kiến.

Sau khi nghe ý kiến nghị của cử tri, thay mặt các đại biểu HĐND TP phát biểu tiếp thu tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung cử tri quan tâm; đồng thời khẳng định, những ý kiến của cử tri sẽ được các đại biểu tổng hợp đầy đủ và gửi tới cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo đúng quy định.