Tại đây, đáng chú ý có 4 ý kiến phát biểu của cử tri, đều bày tỏ phấn khởi của người dân trước thành công của Kỳ họp thứ Sáu. Trong đó, ông Đoàn Xuân Miễn (phường Quỳnh Mai) đánh giá các phiên chất vấn với người đứng đầu Chính phủ, bộ, ngành đã đi vào những nội dung rất cụ thể; đặt câu hỏi và trả lời đều thẳng thắn, không vòng vo như trước, không cần văn bản. Điều này cần được phát huy.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tiếp tục phản ánh một số vấn đề đang gây bức xúc liên quan đến thực thi pháp luật, bảo vệ môi trường, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT)… Trong đó, cử tri Nguyễn Thanh Bình (phường Lê Đại Hành) nhận định, Quốc hội tốn nhiều công sức soạn thảo luật, song lại chưa dành thời gian thỏa đáng tuyên truyền đến người dân; kể cả đã tuyên truyền nhưng việc xử lý người vi phạm pháp luật nhiều lúc, nhiều nơi lại chưa được chú trọng. Điển hình là nhiều người vi phạm luật giao thông (xe lao lên vỉa hè, vượt đèn đỏ, vừa đi vừa nghe điện thoại…) mà không bị xử lý.
Ông Bình cũng cho hay, người dân vẫn rất lo lắng về công tác chống tham nhũng, nhiều khi biết rõ kẻ tham nhũng nhưng cơ quan chức năng dường như chưa biết làm thế nào để thu hồi lại tiền cho Nhà nước.
Theo cử tri phường Đồng Nhân, người dân còn nhiều băn khoăn về công tác xử lý ùn tắc giao thông trên địa bàn TP cũng như cả nước, nên Quốc hội cần có thêm giải pháp cho tình trạng này. Cử tri còn cho rằng, công tác bảo vệ môi trường chưa có biện pháp tích cực từ trên xuống dưới, đề nghị Quốc hội quan tâm vấn đề này như tại các nước trong khu vực, thì danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” mới thực sự có ý nghĩa với Hà Nội. Cùng quan điểm đó, cử tri phường Minh Khai đề nghị có biện pháp phân loại rác hiệu quả, không thể các nước trong khu vực làm được mà Thủ đô Hà Nội không làm được.
Đặc biệt, cử tri phường Minh Khai bày tỏ rất bức xúc về những bất cập hiện nay khi những người có BHYT đi khám chữa bệnh tại một số bệnh viện (BV) không được đảm bảo quyền lợi. Dẫn chứng cụ thể tại BV Thanh Nhàn, người tham gia kháng chiến được hưởng BHYT 100% nhưng nhiều khi xét nghiệm, siêu âm phải trả 30 - 50 nghìn đồng, bởi nhân viên BV nói máy móc hỏng nên bệnh nhân phải ra khám dịch vụ. Sau xét nghiệm, chụp chiếu…, họ lại phải đợi rất lâu mới có kết quả, trong khi đây đều là những dịch vụ có thể trả kết quả ngay.
Hơn nữa, “tại các khoa như Tim mạch, có rất ít giường dành cho bệnh nhân hưởng BHYT, còn những giường nằm theo dịch vụ thì chi phí lên tới 250.000 đồng/ngày, lương của CBCNVC về hưu không thể trả được. Nếu không đủ phương tiện thì BV có thể giới thiệu chúng tôi lên tuyến trên, đằng này chúng tôi khám theo BHYT lại thường được trả lời máy móc đang hỏng nên đề nghị khám dịch vụ. Liệu ở đây có lợi ích nhóm? Đề nghị ĐB sớm xem xét vấn đề này”, cử tri bức xúc.
Lắng nghe các ý kiến tại đây, ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Tim Hà Nội thay mặt tổ ĐB đánh giá cao chất lượng các ý kiến cử tri quận và khẳng định tiếp thu đầy đủ, sẽ chuyển cho các cơ quan chức năng, trong đó với một số kiến nghị thuộc thẩm quyền UBND TP thì tổ sẽ chuyển đến lãnh đạo TP. Đặc biệt, về đóng góp của cử tri với BV Thanh Nhàn, tổ sẽ có ý kiến trực tiếp, chi tiết với đơn vị này. Với các ý kiến liên quan đến môi trường, rác thải, tổ sẽ chuyển đến UBND TP để trả lời; với một số ý kiến liên quan đến Chính phủ, Quốc hội, tổ cũng sẽ truyền đạt lại và báo cáo cử tri trong kỳ tiếp xúc sau.