KTĐT - “Doanh nghiệp Việt Nam còn có ưu thế so với nhiều nước khác khi thị trường Cuba mở cửa, dựa vào quan hệ chính trị khá tốt giữa 2 nước được thiết lập từ lâu”.
Với những thay đổi lớn gần đây về mặt chính sách, bao gồm chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực dịch vụ, sản xuất, Cuba hứa hẹn trở thành thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương nhấn mạnh, những động thái mở cửa một phần nền kinh tế vừa rồi của chính phủ Cuba như kêu gọi đầu tư bất động sản, và sắp tới là mở cửa nhiều khu vực kinh tế cho tư nhân, là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để đẩy mạnh giao thương ở thị trường này, trước mắt là với khối doanh nghiệp quốc doanh.
Ông Khiên nói, Cuba trong năm nay đã bắt đầu thu hút đầu tư nước ngoài, chủ yếu vào các lĩnh vực như du lịch, khai khoáng, chế biến bao bì nhựa, giấy các loại, thực phẩm… Chính sách ưu đãi nổi bật ở Cuba, theo ông Khiên, là cho thuê đất đến 99 năm đối với các dự án sân golf. Cơ quan này đang tiếp tục nghiên cứu các chính sách thu hút đầu tư của Cuba để phổ biến cho doanh nghiệp trong nước có nhu cầu.
“Doanh nghiệp Việt Nam còn có ưu thế so với nhiều nước khác khi thị trường Cuba mở cửa, dựa vào quan hệ chính trị khá tốt giữa 2 nước được thiết lập từ lâu”, ông Khiên cho biết.
Trong tháng 11, Vụ thị trường châu Mỹ cũng sẽ đồng tổ chức Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Cuba tại thủ đô La Habana. Diễn đàn này theo ông, đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong nước ở nhiều ngành hàng như gạo, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, than đá, giầy dép, sản phẩm điện gia dụng, hàng dệt may, dược phẩm…
Cũng đánh giá Cuba như một thị trường tiềm năng ở khu vực Trung Mỹ nhưng ông Đặng Xuân Cường, phụ trách xuất nhập khẩu Công ty Vifon, cũng cho biết xuất hàng qua thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Cường kể lại lần thâm nhập thị trường Cuba lần đầu tiên vào năm 2008 với hai mặt hàng chính là mì gói và tương ớt đang bán tại hệ thống siêu thị của Cuba hiện không được xuất khẩu trực tiếp mà phải bán qua một đối tác thứ 3 là Ba Lan. Nguyên nhân chính là do phương thức thanh toán.
“Đơn cử có lô hàng của Vifon đối tác yêu cầu chỉ thanh toán sau từ 300 đến 500 ngày tính từ lúc giao hàng. Thanh toán chậm trễ là một phần trong tập quán kinh doanh của phía Cuba”, ông Cường cho biết.
Một “nút thắt” nữa trong giao thương với Cuba, xuất phát từ chính sách cấm vận, kiểm soát thương mại của Mỹ, vận chuyển đường thủy trước đây phải qua một cảng biển của Mỹ chờ kiểm tra rồi mới được tiếp tục đến Cuba, do vậy thời gian vận chuyển 1 chuyến hàng có khi kéo dài đến 3 tháng.
Ngoài những khó khăn trên, theo ông Cường, Vifon vẫn tiếp tục chiến lược nghiên cứu thị trường Cuba, vì theo ông, môi trường kinh doanh đang được cải thiện ở nước này sẽ là mục tiêu thu hút nhiều doanh nghiệp, không chỉ từ Việt Nam.
“Việc chủ động thâm nhập từ trước sẽ tạo thế chủ động cho doanh nghiệp vì môi trường đầu tư ở Cuba theo tôi sẽ khác nhiều chỉ sau 1 năm nữa”, ông cho biết.
Tháng 9/2010, Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đã ký hợp đồng bán trên 200.000 tấn gạo sang Cuba do nhu cầu gạo đang tăng ở thị trường này. Cuba cũng là một trong những thị trường xuất khẩu gạo tập trung của Việt Nam, tức thông qua kênh đàm phán chính phủ. Hàng năm Cuba nhập khẩu khoảng 400.000 tấn gạo từ Việt Nam.