Với nhiều văn kiện quan trọng được ký kết như thỏa thuận cung cấp khí đốt của Nga theo tuyến đường ống phía Đông được dự báo có giá trị tới 25 tỷ USD/năm, cuộc gặp gỡ thứ hai giữa nguyên thủ Nga - Trung kể từ tháng 3 đến nay được coi là thắng lợi trên cả lĩnh vực kinh tế và ngoại giao. Đáng nói, Nga chỉ là một trong những điểm dừng chân trong chuyến công du 10 ngày (3 - 13/9) tới khu vực này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Với các điểm dừng chân là Nga, Turkmenistan, Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan, các chuyên gia nhận định rằng, chuyến thăm nước ngoài lần thứ 3 kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước của ông Tập Cận Bình nhằm thể hiện rõ chính sách đối ngoại của Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc với khu vực vốn được coi là "sân sau" của Bắc Kinh. Đây đều là những quốc gia láng giềng và có nguồn dầu lửa phong phú nên việc tăng cường hợp tác với 4 quốc gia này sẽ giúp Bắc Kinh đa dạng hóa thị trường dầu mỏ, đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh 80% dầu mỏ của Trung Quốc nhập từ Trung Đông bị đe dọa gián đoạn do khu vực này ngày càng trở nên bất ổn. Về chính trị, việc tăng cường quan hệ hợp tác với các nước này giúp Bắc Kinh có thêm cơ sở để ngăn chặn Phong trào ly khai ở Tân Cương. Ngoài ra, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014 sẽ gây ra nguy cơ bất ổn suốt một dải Nam Á rộng lớn, nên việc duy trì quan hệ tốt với 4 nước Trung Á tạo cơ hội để Bắc Kinh thay thế Mỹ phát huy vai trò quan trọng tại khu vực này. Đây cũng là cơ hội hiếm có để Bắc Kinh thuyết phục các nước Trung Á không cho Mỹ lập căn cứ quân sự ở nước mình, bởi vì đây là mối nguy cơ tiềm tàng ngay bên sườn và sau lưng Trung Quốc. Với những mục tiêu quan trọng như vậy, chuyến thăm tới Trung Á lần này được nhìn nhận là một thử thách đối với tài ngoại giao của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc củng cố "sân sau", tăng cường lợi thế với các nước khác.