Hai bên thể hiện sự đồng thuận quan điểm sâu rộng về các vấn đề chính trị, an ninh của khu vực và thế giới, trong đó đặc biệt về những hoạt động và ý đồ của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Nếu như đối với Mỹ, việc tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc không gây bất ngờ, thì sự thể hiện thái độ của Australia lại rất đáng được chú ý. Ở nước này vừa có sự thay đổi Chính phủ, vẫn đảng cũ cầm quyền nhưng nhân sự mới ở cương vị đứng đầu Chính phủ. Ông Tony Abbott đã bị tân Thủ tướng Malcom Turnbull “lật đổ” bằng một cuộc “đảo chính” trong nội bộ đảng cầm quyền. Trong thời gian cầm quyền tuy ngắn ngủi ở Australia, ông Abbott cho thấy là người "thân Trung Quốc". Chính sách đối với Trung Quốc không phải lý do khiến ông Abbott bị thách thức trong nội bộ đảng và bị mất quyền, nhưng tân quan thường đi cùng khả năng có tân chính sách.
Đến thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá đầy đủ và chính xác hơn về chính sách của Australia đối với Trung Quốc dưới thời ông Turnbull. Nhưng qua hội nghị nói trên đã có thể thấy Australia ở thời này cùng hội cùng thuyền với Mỹ. Sau này chưa biết thế nào chứ giờ thấy Mỹ và Australia chia sẻ cả sự nhìn nhận về Trung Quốc lẫn định hướng đối phó với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Nói như thế không có nghĩa là quan hệ của hai nước này với Trung Quốc hiện không ra gì và triển vọng tương lai ảm đạm. Mỹ và Trung Quốc không lạ gì nhau, đã nhiều lần làm những phép thử lẫn nhau và hiểu rõ giới hạn của nhau cũng như ý thức được về giới hạn của mình. Nhưng đối với Australia thì dường như hiện mới chỉ là sự khởi đầu của việc hoạch định ra chính sách đối với Trung Quốc sau khi đã xác định rõ định hướng cho quan hệ với Mỹ.