Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc chiến giữa hai xu hướng tiêu dùng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 23/11, trong năm thứ 5 trải qua khủng hoảng kinh tế, những người tiêu dùng Mỹ đã đón Lễ Tạ ơn bằng những cách rất khác nhau. Giữa lúc hàng ngàn người chấp nhận cắm trại qua đêm bên ngoài các siêu thị để "săn" cho được những món hàng siêu rẻ trong "Ngày thứ Sáu đen tối" (Black Friday), thì hàng đoàn người khác lại hô hào mọi người tham gia “Ngày không mua gì” (Buying Not

 Sau nhiều thập niên, dù "Ngày thứ Sáu đen tối" vẫn được nhiều tín đồ mua sắm tôn sùng nhưng hình ảnh chen lấn, thậm chí xảy ra xô xát giữa các khách hàng bị những món hàng siêu rẻ làm mờ mắt đã khắc họa một bức tranh tiêu dùng méo mó. Đặc biệt, sau khi sự "vung tay quá trán" của nhiều người đã gián tiếp đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tình cảnh khốn khó, nhóm ủng hộ "Ngày không mua gì" sẵn sàng giúp khách hàng cắt nát thẻ tín dụng - một hành động tượng trưng cho sự giải phóng khỏi tâm lý chi tiêu xả láng những khoản tiền không phải của mình.
 
Cuộc chiến giữa hai xu hướng tiêu dùng - Ảnh 1
Một quảng cáo về "Ngày không mua gì" (Thẻ tín dụng có chức năng mới: phết bơ lên bánh mì)

Dù chỉ kéo dài trong 24 giờ nhưng ngay từ khi được "khai sinh" cách đây hơn 20 năm, "Ngày không mua gì" đã luôn cố gắng đi theo mục tiêu thay đổi thói quen tiêu dùng với niềm tin "tiền không thể mua được hạnh phúc". Tại cuộc phát động "Ngày không mua gì" ở Malaysia năm 2008, các nhà tổ chức cũng đưa ra thông điệp "Hãy sống đơn giản trong một ngày". Theo đó, khi kỷ nguyên năng lượng và lương thực giá rẻ đã chấm dứt, mọi người hãy dành thời gian với gia đình thay vì ra nhà hàng, hãy mang thức ăn ở nhà đi thay vì dùng bữa bên ngoài... Các chuyên gia cũng cho rằng không đơn thuần chỉ là chuyện thay đổi lối sống trong một ngày, mà "Ngày không mua gì" còn là khởi đầu cho những suy nghĩ thôi đánh đồng tình yêu với kích cỡ hay giá trị của món quà, giúp hình thành thói quen tiêu dùng ít hơn, tạo ít rác thải hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đánh giá cao những gì mà "Ngày không mua gì" đã làm được, nhất là khi kinh tế toàn cầu chưa hồi phục vững chắc do sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng. Trong cuốn sách "The New Materialism" (tạm dịch Vật chất mới) được phát hành tại Anh ngày 24/11, hai tác giả Andrew Simms và Ruth Potts cho rằng, sự phát triển nhanh, trên quy mô rộng của "Ngày không mua gì" đã tác động tiêu cực đến lực cầu của thị trường. Hàng hóa sẽ ế ẩm vì không có ai mua, kéo theo sự suy giảm doanh số của các công ty, dẫn đến tình trạng sa thải nhân công, khiến kinh tế suy giảm, thậm chí rơi vào suy thoái kéo dài.

Cuộc chiến giữa hai xu hướng tiêu dùng do "Ngày thứ Sáu đen tối" và "Ngày không mua gì" là đại diện vẫn đang tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho một mùa mua sắm cao điểm và giới kinh doanh toàn cầu vẫn đang tràn ngập hy vọng vào một vụ kinh doanh bội thu. 

* “Ngày không mua gì” nhằm “xem lại thói quen tiêu dùng quá mức”, vốn là sáng kiến của nghệ sĩ Ted Dave (Canada) đã nhanh chóng được tổ chức trên quy mô thế giới vào năm 1992.

* Năm 1997, “Ngày không mua gì” tại Mỹ được chuyển sang thứ Sáu sau ngày Lễ Tạ ơn (năm nay rơi vào ngày 23/11), còn bên ngoài khu vực Bắc Mỹ vẫn tiếp tục duy trì vào thứ Bảy sau Lễ Tạ ơn (ngày 24/11 năm nay).

* Sau khi được tổ chức quy mô tại Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản,... đến nay đã có hơn 65 quốc gia tham gia “Ngày không mua gì”.