Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc sống đảo lộn vì thông tin sai lệch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi một báo điện tử, trang mạng đăng tải những hình ảnh về việc người dân thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh hàng ngày đi làm và vận chuyển hàng hóa thông qua hệ thống "cáp treo" tự chế, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã về địa phương này để tìm hiểu rõ sự việc.

Ghi nhận cho thấy, những thông tin vừa qua liên quan tới vụ việc là không đầy đủ, thiếu chính xác và có "yếu tố dàn dựng". Điều đáng nói, sự việc nêu trên đang khiến cuộc sống của nhiều người dân nơi đây bị đảo lộn.

Người dân bức xúc

Những ngày qua, rất nhiều cơ quan báo chí đã tìm về xóm nhỏ nằm ven sông Hồng này để xác minh lại câu chuyện sử dụng "cáp treo" tự chế để qua sông. Dường như chưa hết "sốc" bởi bỗng dưng "nổi tiếng" nên nhiều người dân liên quan trực tiếp tới hệ thống "cáp treo" này đều dè dặt, thậm chí là tránh, không muốn tiếp tục thông tin đến báo chí. Sau gần 30 phút thuyết phục với sự giúp đỡ của một công an xã, chúng tôi mới nhận được sự đồng ý trao đổi của người dân nơi đây. "Đấy anh xem, tôi vừa phải khuân mấy buồng chuối từ dưới bờ sông lên, mệt thở không ra hơi. Mấy ngày vừa qua công việc của chúng tôi gần như ngưng trệ, cuộc sống bị đảo lộn chỉ vì thông tin mà mấy trang báo điện tử đưa lên…" - bà Đàm Thị Tư - vợ ông Trần Văn Dưa, chủ một trong hai hệ thống "cáp treo" tự chế, nói trong bức xúc. Sự khó chịu của bà Tư là hoàn toàn dễ hiểu, bởi kể từ khi có thông tin về việc hệ thống "cáp treo" tự chế chở người qua sông, UBND xã Đại Mạch đã yêu cầu hộ gia đình bà Tư phải tháo dỡ, tạm dừng hoạt động của hệ thống. Tương tự, gia đình ông Đàm Văn Nam - hộ thứ hai sở hữu hệ thống "cáp treo" tự chế trong thôn cũng được yêu cầu tạm dừng việc khai thác. Điều này khiến việc vận chuyển nông sản, hàng hóa từ bãi giữa vào đất liền của 11 hộ dân xóm Bãi, thôn Mai Châu hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Hệ thống dây cáp đang phải tạm dừng hoạt động.
Hệ thống dây cáp đang phải tạm dừng hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Hoa - nguyên Trưởng Đài Truyền thanh xã Hải Bối (huyện Đông Anh), hiện đã nghỉ hưu về quê trồng chuối ở bãi giữa cho biết, bình thường nếu sử dụng hệ thống cáp tời, mỗi chuyến hàng vận chuyển chỉ mất chưa đến 10 phút, trong khi nếu chở bằng thuyền qua sông sẽ mất trên 30 phút, "đó là trong điều kiện nước lặng chứ nếu nước lớn, thuyền chòng chành, việc vận chuyển sẽ mất nhiều thời gian và nguy hiểm hơn" - bà Hoa cho biết thêm. Không chỉ vậy, nếu vận chuyển bằng thuyền, nông sản chủ yếu là chuối tiêu hồng, ổi, đu đủ cũng rất dễ bị trầy xước, dập nát. Việc tiêu thụ cũng trở nên khó khăn hơn. Ông Nguyễn Tiến Vạn - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mai Châu cho biết, hiện có 11 hộ thuộc xóm Bãi, thôn Mai Châu đấu thầu để canh tác nông nghiệp trên diện tích khoảng 30ha ở khu vực bãi giữa. Những năm gần đây, năng suất cây trồng ở bãi giữa luôn rất khá do đất đai màu mỡ, thời tiết thuận lợi. Với một sào chuối tiêu hồng, có thể cho thu nhập không dưới 15 triệu đồng/năm. Ngoài ra, người dân còn trồng thêm các loại cây trái năng suất cao khác như ổi, đu đủ... Nhờ đó mà thu nhập của người dân xóm Bãi nói riêng và thôn Mai Châu nói chung ngày một nâng cao. Tuy nhiên, mấy ngày qua, việc tiêu thụ hàng hóa có phần khó khăn hơn do lượng chuối thu hoạch được ít hơn, bởi việc vận chuyển rất vất vả, giá sản phẩm không cao do bị trầy xước. Điều này đang khiến 11 hộ dân xóm Bãi vô cùng bức xúc.  
Không chỉ khiến thu nhập của người dân trong thôn bị giảm sút, vụ việc nêu trên cũng đang khiến sinh hoạt của một số hộ dân liên quan thêm phần "bận rộn" với những cuộc gặp gỡ không mong đợi. "Những ngày qua, phóng viên các cơ quan báo chí tìm về, thu thập thông tin rất đông. Riêng buổi chiều qua (21/8 - PV), tôi đã từ chối tiếp 4 đoàn báo chí rồi. Mất thời gian mà không giải quyết được việc gì" - bà Đàm Thị Tư cho biết. 
"Khoảng một tuần trước, với mỗi buồng chuối bán cho thương lái, chúng tôi thu về gần 100.000 đồng. Nay, bán với giá chỉ 30.000 đồng thôi cũng khó, do chuối bị dập nát nhiều, cũng không được đẹp "mã" như trước…" - Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Mai Châu, xã Đại Mạch.
Tạm dừng hoạt động

Theo ông Trần Văn Dưa - người đầu tiên phát kiến ra cách vận chuyển nông sản thông qua hệ thống "cáp treo" tự chế, cách đây vài năm, việc vận chuyển chuối gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa, nước sông lên cao, hơn nữa, sản phẩm thường xuyên bị gãy, dập nát. Chính vì vậy, tháng 7/2013, gia đình ông cùng một vài hộ khác trong xóm đã tự mày mò kỹ thuật, rồi cùng đóng góp vốn (khoảng hơn 20 triệu đồng) lắp đặt hệ thống tời với mục đích tăng hiệu quả vận chuyển nông sản, nông cụ, phân bón… từ bãi giữa lên bờ. Tuyệt nhiên chưa từng chở người! Nay, những hình ảnh được một số báo điện tử đăng tải phiến diện và có phần không trung thực đã và đang khiến hệ thống "cáp treo" phải "đắp chiếu", cùng với đó là việc sản xuất của 11 hộ dân xóm Bãi, thôn Mai Châu gặp nhiều khó khăn.  

Được biết, trong nhiều năm qua, người dân xóm Bãi, thôn Mai Châu thường xuyên phải đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản, nông cụ… bằng thuyền để sang bãi giữa canh tác. Một năm chỉ có tháng Hai và tháng Ba (Âm lịch), vào mùa nước cạn, người dân có thể sang bãi giữa thông qua một con lạch dài khoảng 200m. Một năm trở lại đây, khi có hệ thống "cáp treo" tự chế, việc vận chuyển nông sản đã được giảm tải rất nhiều nhưng người dân vẫn phải di chuyển bằng thuyền để sang sông. 

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Vương Ngọc Chi - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mạch cho biết, ngay từ khi hệ thống được lắp đặt, xã đã yêu cầu các hộ không được phép chở người. Công an xã cũng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện. Tuy nhiên, những thông tin không đầy đủ và thiếu chính xác thời gian qua của một số báo, trang tin điện tử đã vô tình gây hại cho người nông dân nơi đây. Hiện, xã đã yêu cầu tạm ngừng hoạt động hai hệ thống "cáp treo" tự chế này để thanh, kiểm tra toàn diện về mức độ bảo đảm an toàn. Hiện, người dân thôn Mai Châu đang ngày ngày phải sử dụng thuyền để vận chuyển hàng hóa và sang bãi giữa canh tác. Rõ ràng, việc một số báo điện tử, trang mạng đăng tải những thông tin không đúng sự thật đang gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống vốn đã rất khó khăn của nhiều hộ dân nơi ven sông Hồng này. Bởi vậy, rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý nghiêm những vi phạm đối với các đơn vị thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Đồng thời, tìm hướng giải quyết hợp tình, hợp lý nhằm mang lại lợi ích chính đáng cho người dân xóm Bãi.
"Tôi công nhận là hôm trước có ngồi lên tời cho mấy cậu phóng viên chụp ảnh. Mấy cậu ấy bảo tôi đây là sáng kiến kỹ thuật rất hay, muốn đăng lên báo để phổ biến cho người dân các nơi khác học hỏi. Là người nông dân, tôi cũng tự hào lắm. Thế nên, khi họ nói tôi ngồi lên tời, đi một lượt cho họ chụp ảnh, tôi cũng nghe theo, dù rất run vì từ trước đến nay đã ngồi lên đấy bao giờ đâu. Tôi năm nay đã 62 tuổi rồi, có biết báo chí là gì đâu. Thế mà người ta cũng lừa tôi…" - Bà Đàm Thị Tư, thôn Mai Châu, xã Đại Mạch.