KTĐT - Năm ngoái, Ronaldo tẩu thoát khỏi M.U để tới Real Madrid. Năm nay, Fabregas mơ Barca, Mascherano muốn Inter, Ashley Cole đòi đến Bernabeu… Có phải, tháo chạy khỏi Premiership đang trở thành “mốt” của các siêu sao?
Thiên đường đã mất?
Năm thứ hai liên tiếp, Premiership không còn thống trị bóng đá châu Âu cấp CLB. Mùa trước, thậm chí không một đội bóng Anh nào vào được đến bán kết Champions League. Năm kia, M.U thua Barca toàn diện trước khi nhìn đối phương bước lên bục vinh quang ở đấu trường danh giá nhất Cựu lục địa. Ở khía cạnh thành tích, Premiership đang dần để La Liga, Serie A bắt kịp rồi vượt lên.
Cũng năm ngoái, bóng đá Anh dẫu vẫn dẫn đầu thị trường chuyển nhượng châu Âu, nhưng đã không còn dẫn dắt thị trường như các mùa trước. Man City nổi lên thay thế M.U, Liverpool, Chelsea trong công tác chuyển nhượng, nhưng “thiếu gia” nước Anh vẫn lép vế so với sức oanh tạc của Real Madrid. Tức là trên khía cạnh mua sắm từng là niềm tự hào, Premiership cũng mất dần sức mạnh.
Sa sút thành tích, giảm dần sức hút, nhiều hệ lụy khác cũng kéo theo. Đáng báo động nhất chính là xu hướng trốn chạy khỏi Premiership của các siêu sao đang thời đỉnh cao phong độ! Từ sau thành công của David Beckham khi rời M.U tới Real Madrid, các cầu thủ chơi bóng ở Anh không còn thiếu tự tin khi được các giải đấu khác chào mời. Năm kia, Flamini bỏ Arsenal. Mùa trước, Xabi Alonso chuồn khỏi Liverpool, đặc biệt là thương vụ lịch sử biến ngôi sao số Một Premiership là Ronaldo thành cầu thủ của Real Madrid với giá động trời…
Mùa này, xu thế chia tay của các ngôi sao Premiership chắc chắn chưa dừng lại. Torres, Fabregas, Rooney, A.Cole… đang được chèo kéo với sức hấp dẫn ghê gớm. Trước đây, Inter khó mời, thậm chí cả Barca hay Real cũng vậy. Nhưng bây giờ, khi đấu trường Ngoại hạng dần không còn là thiên đường. Các siêu sao tìm cách tháo chạy cho những ước mơ vinh quang là có thể hiểu được.
Nội lực hóa sức mạnh
Xu thế đào thoát khỏi Premiership ở một khía cạnh nào đó đã phủ nhận quan điểm chỉ trích bóng đá Anh, đang để các thế lực bên ngoài xâm lấn. Nhưng nếu không kịp thời ngăn chặn đà tháo chạy, nguy cơ rớt giá siêu tốc của bóng đá Anh sẽ trở thành hiện thực. Thử hỏi, đã từng được mệnh danh là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, giờ không còn thống soái mảng ấy nữa, sức hấp dẫn của Premiership sẽ đến từ đâu?
Hãy hỏi Arsene Wenger về con đường làm giàu. Bây giờ, để tạo sức cạnh tranh mang tính bền vững, bóng đá Anh cần làm tốt công tác đầu tư, đào tạo và phát triển từ gốc rễ, cụ thể ở đây chính là khâu xây dựng và phát triển hệ thống đào tạo trẻ. Hiếm khi người ta thấy Arsenal bội chi, nhưng họ vẫn luôn là một đội bóng lớn không chỉ ở Premiership, mà còn vươn ra bình diện châu lục.
Cách làm của Arsenal có gì đó tương đồng với Barca, chỉ khác ở thành quả gặt hái được cho đến thời điểm này. Bóng đá Anh không chỉ có mỗi lò đào tại Emirates là bài bản. Old Trafford cũng đầy ắp danh tiếng. Chelsea, Liverpool, Man City… cũng dần tìm cách học theo. Nhưng phát hiện, đào tạo là một chuyện. Có sử dụng, phát triển được hay không lại là một vấn đề khác, khó hơn nhiều.
Việc khó thì mới cần huy động sức mạnh cộng hưởng từ FA, Premiership và CLB. Lợi ích của mỗi bên hiện còn cách xa nhau. Chừng nào lợi ích của ĐTQG Anh được đặt lên hàng đầu, ấy là lúc Premiership tìm lại được sức mạnh, với tính bền vững cao hơn.