Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm, giá vàng SJC theo niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tương ứng lần lượt là 40,65 triệu đồng/lượng và 40,85 triệu đồng/lượng.
So với cuối giờ chiều qua, giá vàng SJC bán ra hiện tăng 20.000 đồng/lượng. Giá mua vào cũng tăng tương tự hoặc đi ngang tùy theo báo giá của từng doanh nghiệp.
Khác với xu thế giảm rõ rệt của 3 tuần trước đó, giá vàng trong nước tuần này giằng co trong vùng biên độ khá hẹp từ 40,6-41 triệu đồng/lượng. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng được 100.000 đồng/lượng sau khi giảm 3 tuần liên tục với tổng mức giảm 2,2 triệu đồng/lượng.
Sự phục hồi này của giá vàng trong nước có được là nhờ giá vàng quốc tế có 1 tuần tăng nhẹ. Tuy nhiên, trong tuần, giá vàng “nội” cho thấy sự cách ly với giá vàng “ngoại”, tăng hay giảm đều chậm hơn giá quốc tế. Khoảng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vì thế có lúc co lại còn 5 triệu đồng/lượng, có lúc giãn ra thành 6 triệu đồng/lượng.
Tuần này, Ngân hàng Nhà nước tổ chức 3 phiên đấu thầu vàng, mỗi phiên chào thầu 1 tấn vàng, và đều bán hết số vàng chào bán. Sau 22 phiên đấu thầu, số vàng được Ngân hàng Nhà nước bán ra đã đạt hơn 21,3 tấn.
Tỷ giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay không có sự thay đổi so với sáng hôm qua, phổ biến ở mức 21.260-21.270 đồng (mua vào) và 21.290-21.300 đồng (bán ra). So với cuối tuần trước, giá USD tự do hiện tăng thêm 20 đồng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường New York chốt tuần giao dịch ở mức 1.387,3 USD/oz, giảm 5,2 USD/oz so với phiên ngày thứ Năm. Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay tăng được 1,9%, sau khi giảm gần 6% trong tuần trước.
Ở mức đóng cửa tuần này, giá vàng thế giới tương đương 35,6 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do, cao hơn giá vàng SJC bán lẻ 5,15 triệu đồng/lượng. Cuối tuần trước, độ chênh lệch là 6 triệu đồng/lượng.
Hãng tin Reuters cho biết, tuần này, giá vàng đã nhận được sự hỗ trợ khi thị trường chứng khoán toàn cầu và đồng USD cùng mất điểm. Giá cổ phiếu đã giảm liên tục sau khi xuất hiện những thống kê bất lợi cho thấy sản xuất công nghiệp của Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng giảm tốc trong tháng 4.
Tuy nhiên, song song với đó, vàng vẫn chịu sức ép mất giá không nhỏ sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát biểu trước Quốc hội nước này rằng, FED có thể sẽ sớm chấm dứt chính sách nới lỏng định lượng (QE).
Hoạt động bán vàng tiếp tục của quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cũng gây thêm áp lực xuống giá cho kim loại quý này. Phiên ngày thứ Sáu, quỹ này bán ròng thêm 2,4 tấn vàng, giảm khối lượng nắm giữ còn 1.216,2 tấn vàng.
Tính chung cả tuần, SPDR Gold bán ròng 22,2 tấn vàng. Trong gần 2 tháng trở lại đây, quỹ này đã bán 205,4 tấn vàng.
“Tuần này có một ý nghĩa nào đó đối với tất cả mọi người”, ông Ole Hansen, Phó chủ tịch ngân hàng Saxo Bank, nói với hãng tin Reuters. “Những người giữ quan điểm giá vàng xuống vẫn chưa nhận thấy đâu là bằng chứng cho thấy họ sai. Trong khi những người theo trường phái giá lên cảm thấy tự tin hơn nhờ lực mua vàng phòng ngừa rủi ro, tạo thế cân bằng cho những phát biểu của Chủ tịch FED”.
Ông Hansen kết luận rằng, trên phương diện kỹ thuật, giá vàng hiện vẫn đang ở trong “địa hạt” nguy hiểm vì chưa thể vượt qua được ngưỡng 1.414 USD/oz. Bên cạnh đó, theo ông Hansen, để khẳng định được xu thế giá lên, giá vàng cần vượt 1.432 USD/oz.