Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cựu chủ tịch VN Pharma nhận tội trong nước mắt

Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi được nói lời cuối cùng bị cáo Hùng đã thừa nhận tội trong nước mắt và xin HĐXX cho bị cáo được tại ngoại để chăm sóc cha mẹ.

Ngày 24/10, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xử phúc thẩm xử vụ lãnh đạo Công ty Cổ phần VN Pharma (VN Pharma – PV) can tội “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”. Cục trưởng Cục quản lý dược Bộ Y tế, dù được tòa án triệu tập nhưng không đến.   
Xóa file, vất con dấu để phi tang?
Tại tòa, khi đại diện Viện KSND hỏi về 12 con dấu của các công ty nước ngoài, trong đó có con dấu của Công ty Helix Pharmaceuticals Ins (Canada) có từ khi nào, do ai chỉ đạo làm? Bị cáo Bùi Ngọc Duy (SN 1986, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) cho rằng từ khi ký biên bản bàn giao vào ngày 28/4/2014, bị cáo mới biết có số lượng con dấu như vậy tại VN Pharma. 12 con dấu này có từ thời ông Phan Xuân Thiện – Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển (NCPT) VN Pharma. Khi bị cáo làm phó phòng thì ông Thiện lên chức Phó Tổng giám đốc VN Pharma.  Cũng theo lời khai của bị cáo Duy, do thời gian quá lâu nên không nhớ rõ có con dấu nào đó của nước ngoài và bị cáo không chỉ đạo ai làm dấu.
 Bị cáo Hùng khóc nức nở tại tòa (Ảnh: Internet)
Trước việc bị cáo Duy “không nhớ”, đại diện Viện KSND công bố lời khai của bà Lữ Thị Thùy Trang (nhân viên VN Pharma) tại cơ quan an ninh điều tra (ANĐT): “Con dấu của Công ty Helix Pharmaceuticals Ins làm theo chỉ đạo của anh Duy”. Cũng theo đại diện Viện KSND, khi vụ án VN Pharma xảy ra, tất cả các file tài liệu liên quan đến Công ty Helix Pharmaceuticals Ins đã bị xóa sạch, 12 con dấu nêu trên cũng bị vất bỏ. Ai là người chỉ đạo xóa file liên quan, vì sao vất những con dấu? Bị cáo Duy cho rằng đã khai tại phiên sơ thẩm là muốn các phòng ban gọn gàng nên “dọn dẹp” hồ sơ. Còn việc vất bỏ những con dấu, bị cáo Duy không biết và cũng không mở ra xem. “Thời điểm dọn văn phòng là thời điểm vụ án mới bị khởi tố, bị cáo không biết bị cáo Hùng bị khởi tố và không biết VN Pharma bị khởi tố, bị cáo cũng chưa được cơ quan ANĐT mời làm việc”, bị cáo Duy trả lời.
Trước câu trả lời trên, đại diện Viện KSND công bố lời khai nhân viên của VN Pharma tên Hạnh: “Sau khi công ty bị công an khám xét, anh Duy chỉ đạo nhân viên phòng NCPT xóa tất cả các file dữ liệu liên quan Công ty Helix Pharmaceuticals Ins nên tôi đã xóa”.
Đại diện Bộ Y tế… trả lời lòng vòng!
Tại phiên tòa, HĐXX gọi ông Đỗ Trung Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) để đưa ra hàng loạt câu hỏi: có biết giấy phép số 28 do Bộ Y tế cấp cho Công ty Helix Pharmaceuticals Ins, cấp phép dựa trên cơ sở nào, khi cấp phép có xác minh pháp nhân, có bắt buộc phải xác minh không? Ông Hưng cho rằng qua nghiên cứu hồ sơ ông có biết. Việc cấp phép cho Công ty Helix Pharmaceuticals Ins dựa các quy định, thông tư, quy trình… và bắt buộc phải xác minh.
Tiếp đó là hàng loạt câu hỏi của đại diện Viện KSND như: trong tổ thẩm định lô thuốc, vì sao có người không ký biên bản vẫn cho qua, vì sao Công ty Austin (Hồng Công) ký đơn đặt hàng ngày 16/10/2013, tuy nhiên công ty này đã hết hạn hoạt động từ ngày 6/10/2013, thế nhưng trước đó vào ngày 30/9/2013, Cục quản lý dược đã đóng dấu ngay giữa đơn đặt hàng? Biên bản thẩm định có bắt buộc ghi rõ họ tên, ngày tháng năm, trong tổ thẩm định vì lý do gì có những người không ký tên, tại sao không thẩm định công ty Austin, trách nhiệm tổ pháp chế, tổ thẩm định lô thuốc như thế nào… 
Trước hàng loạt câu hỏi của HĐXX, ông Đỗ Trung Hưng và ông Phan Trung Chiến (Cục quản lý dược) trả lời «lòng vòng». Ông Hưng cho rằng mới nhận hồ sơ từ ngày 21/10, còn ông Chiến cho rằng việc chuyên gia trong tổ thẩm định không ký tên cũng không biết chính xác lý do vì sao. Việc trả lời vòng vo khiến đại diện Viện KSND phải đề nghị HĐXX yêu cầu Cục quản lý dược phải chuẩn bị hồ sơ ngiêm túc để khi được hỏi trả lời rõ ràng. Đối với những người không đến tòa, dù đã có giấy triệu tập như ông Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục quản lý dược là không nghiêm túc.
Việc bắt giam bị cáo tại tòa là đúng
Liên quan đến việc bắt tạm giam bị cáo Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (SN 1978, nguyên Giám đốc công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) ngay tại phiên tòa chiều 23/10. Tại phần đối đáp, các luật sư đề nghị HĐXX cho biết lý do vì sao không để khi tòa tuyên án rồi bắt? Đối với lô thuốc H-Capita cần có Hội đồng giám định khác giám định 1 cách khách quan hơn.
Về lý do bắt 2 bị cáo ngay tại tòa, đại diện Viện KSND cho rằng việc bắt tạm giam do Phó Chánh án TAND Cấp cao ký lệnh. Căn cứ điều 243 Bộ luật Tố tụng hình sự, tòa án có thẩm quyền có quyền quyết định và tại điểm 2.2 nghị quyết số 05 ngày 8/12/2005 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định: “Tòa án phúc thẩm chỉ ra quyết định bắt nếu trong khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, cũng như qua diễn biến xét xử tại phiên tòa”. Vì vậy quan điểm của Viện KSND Cấp cao đối với việc bắt tạm giam tại phiên tòa là đúng. Phiên tòa này được dư luận rất quan tâm nên Viện KSND Cấp cao cũng đề nghị HĐXX xem xét toàn diện các chứng cứ để ra bản án đúng pháp luật.
Khi được nói lời cuối cùng bị cáo Hùng đã thừa nhận tội trong nước mắt và xin HĐXX cho bị cáo được tại ngoại để chăm sóc cha mẹ. còn bị cáo Cường cho rằng là trung gian, đại diện hợp pháp của Công ty Helix Pharmaceuticals Ins, được Cục quản lý dược cấp phép. Bị cáo không làm giả tài liệu. Bị cáo mong HĐXX xem lại tất cả những Email, giấy tờ mà bị cáo nộp cho cơ quan ANĐT và mong HĐXX tìm ra ông Raymundo để minh oan cho bị cáo. “Với ý thức của mình, bị cáo cảm thấy rất xấu hổ trước búa rìu dư luận. Mong HĐXX nói lên nỗi oan của bị cáo”, bị cáo Cường nói.
Sau khi các bị cáo nói lời cuối cùng, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm cho rằng: “Do tính chất, quy mô vụ án rất phức tạp, còn nhiều tình tiết, liên quan nhiều cơ quan. Vì vậy sáng 30/10, HĐXX mới tuyên án”.
Có chi tiền hoa hồng cho bác sỹ
Về việc chi hoa hồng 7,5 tỷ đồng cho các bác sỹ cũng được Viện KSND xét hỏi lại. Bị cáo Ngô Anh Quốc (SN 1984, nguyên Phó giám đốc VN Pharma), cho rằng số tiền này chi cho trình dược viên để chi cho bệnh viện khi đi bán thuốc và đây là khoản chi phí được phép, nhưng không nêu rõ chi cho bệnh viện hay bác sỹ nào. Quy trình chi tiền theo lời khai của bị cáo Lê Thị Vũ Phương (SN 1982, nguyên Kế toán trưởng VN Pharma) nếu muốn lấy tiền phải có đề nghị của phòng bán hàng và được lãnh đạo duyệt thì mới chi.
Đại diện Viện KSND công bố lời khai của nhân viên phòng bán hàng là Trần Lê Hoàng Sơn: “Trên tờ đề nghị thanh toán được chia 2 cột, một bên là tên VN Pharma, một bên là đơn vị nhập thuốc, phía dưới có mục phần trăm hoa hồng chi tiền cho bác sỹ. Sau khi tôi làm xong đề nghị, trình lãnh đạo phòng bán hàng ký, tiếp đó nhân viên phòng tổng hợp kiểm soát tập hợp chuyển lãnh đạo phòng và phòng kế toán rồi trình lên Tổng giám đốc duyệt”.
Mức án sơ thẩm dành cho các bị cáo
Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND TP.HCM xét xử, HĐXX tuyên phạt nhóm tội danh “Buôn lậu”, gồm: Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường mỗi bị cáo 12 năm tù giam. Nguyễn Trí Nhật (SN 1975, nguyên Phó giám đốc VN Pharma) 5 năm tù; Ngô Anh Quốc (SN 1984, nguyên Phó giám đốc VN Pharma) 4 năm tù. Phan Cẩm Loan (SN 1973, nguyên Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu VN Pharma) 3 năm 6 tháng tù; Lê Thị Vũ Phương (SN 1982, nguyên Kế toán trưởng VN Pharma) 3 năm tù.
Đối với nhóm tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”, gồm: Bùi Ngọc Duy (SN 1986, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) 18 tháng tù. Phạm Văn Thông (SN 1954, dược sĩ) 2 năm tù treo, thời gian thử thách 4 năm; Phạm Anh Kiệt (SN 1963, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn - Sapharco) 2 năm tù treo.