Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cứu sống bệnh nhân mắc ung thư amidan nhờ kỹ thuật thay van động mạch chủ

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay van động mạch chủ (ĐMC) qua đường ống thông đã thực sự mở ra hướng đi mới cho các bệnh nhân hẹp khít van ĐMC.

Lần đầu tiên, tại Viện Tim mạch Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai, kíp bác sĩ đã tiến thành thủ thuật thay van ĐMC qua đường ống thông (catheter) (TAVI) bằng gây tê tại chỗ kết hợp an thần. Thành quả là sau khi thực hiện can thiệp, người bệnh nhanh chóng hồi tỉnh và phục hồi sức khỏe.
Tiền sử vốn khỏe mạnh, không có bệnh tật nhưng 2 tháng gần đây, ông Trần Anh Đức (66 tuổi, Nam Định) thấy xuất hiện tình trạng nói và nuốt khó. Các triệu chứng ngày một tăng nặng kèm theo mệt mỏi khi gắng sức. Ông Đức đến Viện Tai mũi họng T.Ư thì được chẩn đoán ung thư amidan và có chỉ định phẫu thuật cắt amidan kết hợp nạo vét hạch vùng. Trong khi làm các xét nghiệm đánh giá trước mổ thì các bác sĩ lại phát hiện ông Đức bị hẹp khít van động mạch chủ, có chỉ định chuyển tuyến sang Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai để can thiệp.
 Điều dưỡng Viện Tim Mạch chăm sóc cho người bệnh sau can thiệp.
Tại Viện Tim mạch Quốc gia, kết quả siêu âm tim cho thấy bệnh nhân Đức có: Hẹp khít và hở nhẹ van ĐMC. Van động mạch chủ hai lá van, dày lá van vừa, vôi hóa rải rác 2 bờ van. Chênh áp qua van tối đa: 71mg, chênh áp trung bình 45 mmHg. Thành thất trái dày, buồng thất trái không giãn (Dd 51 mm, Ds 29 mm) EF 74%.
GS.TS Nguyễn Lân Việt - nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch chủ trì buổi hội chẩn và thống nhất hướng xử trí: Thay van ĐMC nhằm cải thiện các bệnh lý tim mạch đảm bảo cho bệnh nhân đủ sức khỏe để tiếp tục cuộc đại phẫu thứ 2: Phẫu thuật cắt amidan trái và nạo vét hạch cổ trái nhóm I, II, III. Đối với bệnh lý hẹp khít ĐMC, GS. Lân Việt đưa ra 2 phương án tối ưu để gia đình người bệnh lựa chọn. Phương án thứ nhất: Thay van ĐMC qua đường TAVI. Phương án thứ hai: Phẫu thuật thay van ĐMC.
Sau khi bàn bạc và thống nhất, gia đình bệnh nhân Đức chọn phương án thay van ĐMC qua TAVI. Bệnh nhân được chụp MSCT gốc động mạch chủ để đánh giá tổ chức van và kích thước vòng van ĐMC: Vôi hóa lan tỏa van ĐMC gây hẹp khít diện tích lỗ van là 0,92 cm2. Kích thước van ĐMC khuyến nghị 26 mm. Bệnh nhân được tiến hành thay van ĐMC qua TAVI cỡ van 29 mm.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng-Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, trưởng kíp can thiệp chia sẻ: Điều đặc biệt trong ca can thiệp này là bệnh nhân bị ung thư amidan. Để đảm bảo an toàn và đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân, kíp can thiệp chúng tôi quyết định gây tê tại chỗ kết hợp an thần thay vì gây mê như mọi khi. Đây là ca TAVI đầu tiên được áp dụng dưới sự hỗ trợ của gây tê tại chỗ. Lợi thế của việc gây tê tại chỗ thay vì gây mê toàn thân qua nội khí quản giúp giảm thời gian tiến hành thủ thuật, giảm nguy cơ phải dùng thuốc vận mạch trong quá trình tiến hành thay van, đồng thời cũng giúp người bệnh hồi tỉnh ngay, tránh những biến chứng của việc thở máy xâm nhập, giảm thời gian nằm viện.
Về kết quả của ca can thiệp, bệnh nhân Trần Anh Đức hào hứng tâm sự: “Tôi rất hài lòng với kết quả của ca can thiệp. Trước khi thực hiện thủ thuật, GS.TS Nguyễn Lân Việt, đã giải thích với tôi rất cặn kẽ về kỹ thuật và can thiệp cho tôi là kíp bác sĩ giỏi nhất, tinh nhuệ nhất của Viện Tim mạch. Bác sĩ gây tê cũng gặp và trao đổi rõ ràng để tôi chuẩn bị và hiểu về những gì bác sĩ sẽ làm với tôi. Ca can thiệp diễn ra thuận lợi, trong quá trình thực hiện, tôi không thấy đau chút nào và sau đó tôi tỉnh ngay. Tôi thấy khỏe hẳn, thay đổi hẳn, không còn cảm giác mệt mỏi như trước khi can thiệp và bây giờ, tôi mong sớm được mổ cắt amidan và nạo các tế bào ung thư”.

TAVI là kỹ thuật mở đường vào động mạch đùi, sau đó đẩy van ĐMC sinh học đến vị trí van ĐMC của bệnh nhân, đặt van sinh học ở đó. Van sinh học sẽ hoạt động như một van tim giúp lưu thông máu giữa buồng thất trái và ĐMC. Đây là một thủ thuật phức tạp, đòi hỏi thiết bị hiện đại, bác sĩ tim mạch được đào tạo chuyên môn cao, cũng như sự phối hợp đồng bộ của cả “đội tim mạch”, đảm bảo từng khâu trong hệ thống đều được tiến hành thuận lợi, giảm thiểu nguy cơ cho người bệnh.

Trước đây, TAVI chỉ được chỉ định cho các bệnh nhân nguy cơ phẫu thuật rất cao, khi người bệnh không còn lựa chọn điều trị nào khác. Sau 15 năm phát triển, ngày nay TAVI được mở rộng chỉ định cho cả các đối tượng nguy cơ phẫu thuật trung bình (sắp tới là nguy cơ thấp), bệnh nhân van ĐMC hai lá van, bệnh nhân HoC đơn thuần. Những tiến bộ mới về thiết bị, kĩ thuật can thiệp, quy trình chuẩn bị và theo dõi bệnh nhân đã giúp TAVI trở thành một thủ thuật đơn giản hơn, an toàn hơn, có tính ứng dụng cao hơn trong thực hành lâm sàng.