Cứu thành công cánh tay và chân cho 2 bệnh nhân bị tắc mạch

Hương Thủy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh Viện Hữu Nghị vừa điều trị thành công cho 2 bệnh nhân bị tắc mạch chi bằng phương pháp hút huyết khối chi. Đây là 2 ca thành công đầu tiên ở miền Bắc.

Việc áp dụng kỹ thuật này nhằm giúp nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh đồng thời tránh cho bệnh nhân phải trải qua một cuộc mổ lớn nếu như phải điều trị bằng phương pháp trước đây.

Bệnh nhân Bùi S. (87 tuổi, Hà Nội) được gia đình đưa tới viện 8 ngày trước đó trong tình trạng yếu liệt tay bên phải, tay rất lạnh. Bệnh nhân chia sẻ, lúc đầu tưởng là mỏi tay bình thường, xoa bóp nhiều lần không hết, tay càng cứng lại. "Lúc đó tôi không còn biết cánh tay có phải tay mình không". Cứ nghĩ mình bị trúng gió, ông S. đã lấy dầu xoa bóp nhưng xoa mãi mà tay không ấm nóng lên, ngược lại ngày càng lạnh đi, mất cảm giác. Sau đó, người nhà đã đưa ông đến BV Hữu nghị cấp cứu.

Tại Bệnh viện Hữu nghị, các bác sĩ đã thăm khám và cho bệnh nhân đi làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả chiếu chụp cho thấy, bệnh nhân có khối máu đông gây tắc động mạch từ vùng nách khiến toàn bộ cánh tay phải của người bệnh không được tưới máu, lạnh như "cánh tay chết". TS.BS Bùi Long - Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, BV Hữu nghị cho biết: "Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã nghĩ đến nguy cơ tắc mạch chi cấp bởi bệnh nhân có những biểu hiện điển hình của tắc mạch với cánh tay lạnh ngắt, bắt mạch cổ tay không có".

Cũng theo TS.BS Bùi Long, khác với bệnh nhân bị tai biến, cánh tay người bệnh vẫn ấm, hồng. Với bệnh nhân tắc mạch tay, cánh tay tím, lạnh, người bệnh rất đau, tay mất cảm giác.

Những trường hợp tắc mạch chi cấp tính, phương pháp kinh điển bác sĩ phẫu thuật mạch máu sẽ tiến hành gây tê, phẫu thuật để lấy cục máu đông. Tuy nhiên, với bệnh nhân này tuổi khá cao, nên các bác sĩ quyết định sử dụng thiết. Các bác sĩ đã quyết định đưa ra phương án điều trị là sử dụng thiết bị nội soi chuyên dụng để hút cục máu đông thay vì phẫu thuật mổ mở cho bệnh nhân. Sau 10 lần hút các cục máu đông, động mạch đã thông thoáng, máu lưu thông bình thường.

Trường hợp 2 là bệnh nhân Nguyễn Ngọc Là, xã Tứ hiệp huyện Thanh Trì. Bệnh nhân nhập viên khi thấy chân tê bì, không làm chủ được, không tự đi dép được. TS.BS Bùi Long - Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, BV Hữu nghị nhận định, bệnh nhân bị tắc tĩnh mạch chân trái do cục máu đông. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính vùng chậu đùi. Sau khi siêu âm bác sĩ còn phát hiện bệnh nhân bị tắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính vùng chậu đùi.

Ngoài siêu âm ra để khẳng định hơn nữa, bệnh nhân có bị sơ vữa mạch máu không, các bác sĩ đã cho chụp cắt lớp 256 dãy để đánh giá toàn bộ mạch chậu cho tới bàn chân đã phát hiện thêm có sơ vữa động mạch đến 90%. Sau đó, các bác sĩ quyết định áp dụng phương pháp can thiệp để điều trị cho bệnh nhân. Tiến hành nong động mạch chậu và đặt sten, nhờ đó máu lưu thông tốt hơn.

Được biết, phương pháp hút huyết khối chi tiến hành ít xâm lấn, nếu mổ phải rạch ra, gây tê hoặc gây mê thì phương pháp can thiệp nội mạch này tuy rằng chi phí tốn kém hơn vì vật tư tiêu hao phải nhập khẩu nhưng sau khi đặt sten và lấy cục máu đông ra sau 2 ngày bệnh nhân có thể đi lại bình thường. Nếu mổ hở bệnh nhân nguy cơ nhiễm trùng, vết thương lâu lành. Từ đây bệnh nhân có thêm lựa chọn khi bị tắc mạch chi.

Theo các chuyên gia, tắc mạch chi là một cấp cứu ngoại khoa tim mạch, hậu quả là làm thiếu máu nuôi cấp tính phần chi mà động mạch đó nuôi dưỡng. Nếu tình trạng thiếu máu nuôi này không được giải quyết thì phần chi bị thiếu máu nuôi sẽ hoại tử trong vòng vài giờ đến vài ngày. Vì thế, khi thấy có dấu hiệu đau xảy ra đột ngột ở chi; tay có cảm giác tê bì, dần mất cảm giác; chi lạnh hơn các vùng khác của cơ thể; thay đổi màu sắc (thường tái nhợt do thiếu máu nuôi chi)... hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Bệnh nhân nếu không điều trị kịp thời có nguy cơ cả bàn tay, thậm chí cánh tay hoại tử nhanh chóng, phải cắt cụt. Nguy hiểm hơn, khi hoại tử, cánh tay sẽ giải phóng một loạt chất độc, nếu không cắt bỏ kịp thời sẽ đi sâu vào cơ thể, gây ra tình trạng suy thận cấp, có thể tử vong. Vì thế, những người có nguy cơ mắc bệnh nên chủ động thăm khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời giảm được nguy cơ biến chứng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần