Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đã bắt đúng “bệnh”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cảnh sát giao thông kiểm tra xe khách trên đường Phạm Hùng, Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh

Trong 6 tháng đầu năm 2013, hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe khách và xe container liên tục xảy ra làm chết và bị thương hàng chục người, gây bức xúc trong dư luận. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg và Bộ GTVT ban hành Chỉ thị 10 về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách kéo giảm TNGT trong kinh doanh vận tải đường bộ. Đến nay, sau hơn 3 tháng triển khai, số vụ TNGT liên quan đến xe khách và xe container đã giảm rõ rệt.

 
Cảnh sát giao thông kiểm tra xe khách trên đường Phạm Hùng, Hà Nội.  Ảnh: Quỳnh Anh
Kinhtedothi - Cảnh sát giao thông kiểm tra xe khách trên đường Phạm Hùng, Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh

 
 

Nguyên nhân do yếu kém trong quản lý

 

Theo ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT), có 3 nội dung đặc biệt và rất mới của 2 Chỉ thị trên là việc xác định và chỉ rõ những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm ATGT, bất cập trong công tác thực thi công vụ và bất cập trong công tác quản trị doanh nghiệp. Về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đã có tư duy rất mới, đó là tập trung vào đội ngũ quản lý trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cấp phép luồng tuyến, đăng kiểm… Đặc biệt, khác với trước đây, còn có ý kiến cho rằng, TNGT tăng cao là do ý thức của người tham gia giao thông kém, song hiện nay, các ngành, các cấp đã thống nhất trong việc chỉ ra căn nguyên của TNGT là yếu kém trong công tác quản lý. Từ đó, các cấp, ngành liên quan đã đưa ra những giải pháp xử lý tận gốc vấn nạn TNGT. Do vậy, Chỉ thị của 12, Chỉ thị 10 đều xác định rõ mục tiêu, trách nhiệm, chức trách của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng. Đặc biệt, tập trung vào trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ.

 
Trong 3 tháng cuối năm, ngoài các xử lý vi phạm về tốc độ, quá tải, lấn làn, chạy quá tốc độ, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phát động cao điểm xử lý vi phạm chuyên đề nồng độ cồn nâng cao nhận thức của người dân, góp phần giảm thiểu TNGT.
Từ khi thực hiện Chỉ thị, đã có nhiều ý kiến của người dân và các DN vận tải gửi về Bộ GTVT đánh giá cao việc triển khai các nội dung về kiểm soát ATGT trong vận tải khách. Đến tháng 8/2013, TNGT đã giảm hơn so tháng trước và giảm hơn so với cùng kỳ năm trước, nhất là đường bộ. Đến hết tháng 9, TNGT so với cùng kỳ đã giảm cả số người chết và số vụ. Thống kê 9 tháng cho thấy, số vụ và số người bị thương vì TNGT tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước.

 

"Với những kết quả trong việc kéo giảm TNGT trong thời gian gần đây có thể thấy các đơn vị, bộ ngành và các địa phương đã thực hiện các giải pháp được chỉ ra trong Chỉ thị một cách mạnh mẽ. Đồng thời tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh và những người trực tiếp tham gia hoạt động vận tải" - ông Nguyễn Văn Thuấn khẳng định.

Vẫn cần nhiều sự nỗ lực

 

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, không phải đến bây giờ Chính phủ và các bộ, ngành mới có Chỉ thị để kéo giảm TNGT mà trước đây đã có nhưng chưa được thực hiện tốt. Hai Chỉ thị mới ra đời được 3 tháng nhưng các bộ, ngành, TƯ, các đơn vị, sở, ban, ngành địa phương đã vào cuộc quyết liệt nên các chỉ thị đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ là một cuộc chiến cam go, vẫn cần rất nhiều nỗ lực trên chặng đường dài.

 

Cũng theo ông Thanh, đến thời điểm này, các doanh nghiệp vận tải ô tô làm ăn nghiêm túc như Mai Linh, Văn Minh… đã ủng hộ và thực hiện nghiêm túc các giải pháp được nêu ra. Những doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chộp giật thì cần phải xử lý triệt để và sớm chấm dứt việc để những doanh nghiệp vận tải có 1, 2 xe, khoán trắng cho lái xe trên đường tham gia kinh doanh, tạo cạnh tranh không lành mạnh.

 

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cho biết, mục tiêu đặt ra trong năm 2013 phải kéo giảm TNGT từ 5 -10% thì tính đến hết tháng 9 mục tiêu này vẫn chưa đạt được do để số người chết tăng. Đây chính là hậu quả của các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách làm chết và bị thương nhiều người xảy ra hồi đầu năm. Thực tế cho thấy, các vụ TNGT do xe khách gây ra thường vào các ngày cuối tuần và thứ Hai, thời điểm này lượng hành khách đi trên các tuyến rất đông. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu vận tải sẽ tăng cao. Do đó, nếu chính quyền các địa phương, các DN vận tải, mỗi lái xe không tự ý thức được trách nhiệm của mình thì rất khó để hoàn thành được chỉ tiêu đã được đề ra.

 

Để thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị và kéo giảm bằng được số vụ TNGT trong các tháng cuối năm, Bộ Công an đã yêu cầu lực lượng CSGT tăng cường lực lượng, tuần tra lưu động và giám sát vi phạm về tốc độ, đi sai phần đường của lái xe qua nhiều phương thức như tuần lưu, qua hệ thống camera dọc QL1. Từ đó, nâng cao được ý thức của người lái xe, nghiêm túc thực hiện luật giao thông, hạn chế vi phạm.

 

 
Dịp cuối năm là thời điểm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, vì vậy, cần tập trung siết chặt công tác quản lý để không làm gia tăng TNGT liên quan đến xe khách vì đây là phương tiện mang theo sinh mạng rất nhiều người. Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ về tốc độ thông qua thiết bị giám sát hành trình. Bởi từ khi Bộ GTVT thực hiện giám sát tốc độ xe khách bằng thiết bị giám sát hành trình, tỷ lệ vi phạm đã giảm hẳn.

Ông Khương Kim Tạo - Phó Chánh Văn phòng  Ủy ban ATGT Quốc gia