Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đã có những thay đổi tích cực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm qua, nhân Ngày Quốc tế phòng chống lạm dụng và buôn lậu ma túy (26/6), tại Hà Nội, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) đã có buổi công bố Báo cáo Tình hình ma túy thế giới năm 2013.

Đã có những thay đổi tích cực - Ảnh 1
Theo báo cáo, việc sử dụng các loại ma túy như heroin và cocaine đã giảm, nhưng tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, tình trạng sử dụng các chất gây nghiện và chất hướng thần mới lại gia tăng.

Nhân dịp này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn bà Zhuldyz Akisheva (ảnh), Giám đốc Quốc gia UNODC để hiểu rõ hơn về tình trạng này.

Hiện nay, tình hình sử dụng ma túy ở Việt Nam diễn ra như thế nào, thưa bà?

- Hiện tại, heroin vẫn là loại ma túy bất hợp pháp được sử dụng rộng rãi nhất. Tuy nhiên, xu hướng sử dụng các loại ma túy tổng hợp cũng như các chất hướng thần mới đang gia tăng. Ngoài ra, tình trạng trồng cây thuốc phiện tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Trong năm 2012, có khoảng 40,2 ha trồng cây thuốc phiện và cần sa đã bị phát hiện và xóa bỏ, tăng 22% so với năm 2011.

Bà có thể cho biết rõ hơn mức độ gia tăng của các chất kích thích mới tại Việt Nam?

- Trong vòng 10 năm qua, thị trường ma túy tổng hợp, đặc biệt là chất kích thích dạng amphetamine (ATS) đã tăng nhanh và trong năm 2012, ATS đã vượt qua thuốc phiện trở thành loại ma túy được sử dụng rộng rãi thứ 2 trên thị trường. Sử dụng chất gây nghiện dạng đá cũng tăng đáng kể sau khi trường hợp đầu tiên được báo cáo vào năm 2008. Điều đáng quan ngại là nhóm sử dụng ATS phổ biến nhất là nhóm thanh niên ở các thành phố lớn, các vùng biên và các khu công nghiệp, đồng thời cũng đang gia tăng ở các vùng nông thôn.

Hiện nay, tỷ lệ tái nghiện vẫn ở mức cao. Vậy, bà có gợi ý gì cho công tác điều trị cai nghiện tại Việt Nam?

- Tôi cho rằng, Việt Nam nên thay thế hình thức điều trị cai nghiện bắt buộc bằng hình thức cai nghiện tự nguyện dựa vào cộng đồng, tại cộng đồng. Tỷ lệ tái nghiện cao cho thấy hình thức điều trị cai nghiện bắt buộc không còn phù hợp và hiệu quả. Chúng ta nên đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ cho người sử dụng ma túy, không chỉ phụ thuộc vào hệ thống tư pháp, hình sự mà cần cung cấp các hỗ trợ về xã hội, y tế, tâm lý để người sử dụng ma túy sau cai nghiện có thể hòa nhập với xã hội.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét, bổ sung những quy định mới liên quan đến công tác điều trị cai nghiện theo hướng đa dạng hóa những hình thức điều trị cai nghiện tại cộng đồng. Chúng tôi đánh giá đây là những thay đổi rất tích cực trong thời gian qua.Xin cảm ơn bà!

 
Trước tình trạng tội phạm và tệ nạn ma túy có nhiều diễn biến phức tạp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: Đấu tranh phòng, chống ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, lâu dài. Lực lượng công an cần tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Cảnh sát biển... xây dựng kế hoạch đấu tranh, tăng cường phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả điều tra, khám phá các vụ án sản xuất, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; Tập trung phòng ngừa, ngăn chặn việc sản xuất, vận chuyển và sử dụng ma túy tổng hợp; xóa bỏ các tụ điểm phức tạp về ma túy trong nước và ngăn chặn ma tuý từ nước ngoài xâm nhập nước ta. (Vũ Dũng)