Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đa dạng giải pháp, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đẩy mạnh hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là giải pháp chủ yếu của TP Hà Nội trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.

Đó là khẳng định của lãnh đạo TP Hà Nội tại Hội nghị giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu chi ngân sách năm 2014 đến các sở, ngành, quận, huyện tổ chức ngày 10/12.
 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.     Ảnh: Minh Ngọc
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Minh Ngọc
Dự kiến thu ngân sách vẫn khó khăn 

Năm 2014, TP đặt mục tiêu thực hiện 23 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 8,5 - 9%; Tổng thu ngân sách đạt 126.214 tỷ đồng; Vốn đầu tư xã hội tăng từ 12% đến 13%;  Giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 8 - 9%; Giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước 0,8%; Tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn 4,8%; Số xã được công nhận cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 62 xã... 

Tuy nhiên, TP cũng xác định để đạt được mục tiêu này không phải là điều dễ dàng bởi tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ông Phi Vân Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết: Năm 2014, mức thu mà Cục Thuế được HĐND TP giao là hơn 110.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa hơn 99.000 tỷ đồng), tăng 14% so với năm 2013. Để đạt được mức thu này đòi hỏi sự nỗ lực lớn của ngành thuế trong bối cảnh nền kinh tế chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, lượng hàng tồn kho tăng cao. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản phục hồi chậm, nợ đọng trong xây dựng cơ bản chưa được khắc phục...

Theo đại diện các sở, ngành, hiện sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế sẽ là rào cản không nhỏ trong việc hoàn thành những mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2014. 

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2014, lãnh đạo các sở, ngành đều khẳng định sẽ tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, từ đó tăng mức nộp ngân sách cho Nhà nước. 

Sở KH&ĐT cũng yêu cầu UBND các cấp chỉ phê duyệt đầu tư khi đã xác định rõ nguồn và khả năng cân đối vốn. Đối với các dự án trong danh mục kế hoạch phải thực hiện đúng mức vốn đã giao, không yêu cầu nhà thầu ứng vốn thi công khi chưa bố trí vốn hoặc đầu tư vượt mức…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, TP tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chủ tịch UBND TP yêu cầu các cấp, ngành tập trung xử lý hàng tồn kho, khơi thông thị trường bất động sản; giải quyết nợ xấu và nợ đọng xây dựng cơ bản; Quy hoạch các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và hạ tầng nông thôn mới; Làm tốt công tác bồi thường GPMB và vấn đề tái định cư… Chủ tịch gợi ý, nếu đền bù bằng tiền sẽ rất lớn, ngân sách TP không đáp ứng đủ nên khi thu hồi đất để thực hiện các dự án từ nội thành, TP sẽ đề nghị Chính phủ chấp thuận việc được đền bằng đất ngoại thành (quy theo giá trị). Cùng với quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, Chủ tịch yêu cầu các cấp, ngành phải quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính… Đặc biệt, khi mà Tết Nguyên đán đã cận kề, công tác chăm lo Tết cho nhân dân phải tập trung, chủ động các giải pháp bình ổn giá cả, chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu không để xảy ra tình trạng khan hàng sốt giá... Đây là những tiền đề quan trọng để thực hiện các mục tiêu trong năm 2014 được TP xác định là Năm trật tự văn minh đô thị. 
 
TP sẽ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước; Đấu giá các diện tích nhà, đất dôi dư để tăng nguồn thu cho ngân sách, xử lý dứt điểm các tồn tại về thu tiền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất còn tồn đọng, tập trung thu hồi các khoản nợ ngân sách, rà soát, xử lý nộp ngân sách các khoản tạm thu theo quy định… Bên cạnh đó, TP cũng sẽ triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không cần thiết; Kiểm soát chặt chẽ chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi thường xuyên…