Kinhtedothi - Trong khi giá một số mặt hàng đầu vào thiết yếu như xăng dầu, gas… đã được điều chỉnh giảm thì nhiều mặt hàng tiêu dùng cơ bản của người dân vẫn giữ giá, hoặc nếu có thì cũng chỉ giảm nhẹ. Ở một khía cạnh khác, diễn biến thị trường tiếp tục ghi nhận sức cầu giảm khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 ghi nhận mức tăng trưởng âm.
Giá giảm nhỏ giọt
Theo kết quả kiểm tra giá của Bộ Tài chính tại Hà Nội, các DN kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm trung bình từ 2 - 10%; các DN kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm trung bình từ 5,8 - 10% và vận tải hàng hóa kê khai giảm giá 3,4 - 3,9%.
Theo ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, các DN vận tải rất quan tâm với việc giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu. Bởi trong thời điểm hiện nay, khi chất lượng dịch vụ vận tải gần như đã đồng đều thì các DN phải cạnh tranh với nhau bằng giá cước. Thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính và Bộ GTVT, nhiều DN vận tải trên địa bàn Hà Nội đã tiến hành giảm giá cước. Cụ thể, đến nay đã có khoảng 80 hãng taxi giảm giá cước từ 300 - 1.000 đồng/km (tương đương 3 - 5%), hơn 20 DN vận tải hành khách theo tuyến cố định có điều chỉnh giảm giá cước.
Việc giá xăng dầu giảm đã góp phần quan trọng dẫn tới CPI tăng trưởng âm, điều này khiến nhiều người tiêu dùng (NTD) đặt niềm tin giá hàng hóa sẽ giảm mạnh, thế nhưng tại các siêu thị, giá bán hàng hóa mới chỉ giảm nhẹ.
Sở Tài chính Hà Nội yêu cầu các DN tham gia chương trình bình ổn giá giảm ngay từ 1 - 5% đối với 3 nhóm mặt hàng thiết yếu (tiêu dùng, thực phẩm, lương thực). Nhưng giá các mặt hàng bình ổn này tại các siêu thị giảm rất nhẹ. Lý do mà nhiều siêu thị đưa ra là mặc dù đã có một số nhà cung cấp điều chỉnh giá bán nhưng chỉ ở mức thấp.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Việc giá xăng dầu liên tục giảm đã góp phần giảm áp lực về giá cho DN bán lẻ, bởi cước vận chuyển hàng hóa buộc phải giảm. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, DN bán lẻ tiếp tục viện lý do khó có thể giảm giá như NTD mong muốn vì cho rằng… không thể giảm hơn.
Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, chỉ có một số mặt hàng thiết yếu giảm giá nhẹ. Tuy nhiên, việc giảm này không phụ thuộc vào chi phí đầu vào, mà do nguồn cung dồi dào, sức mua kém. "Các năm trước, thời gian này, giá cả đã bắt đầu nhích lên, tuy nhiên, mặt bằng giá cả năm nay lại có những diễn biến trái chiều do nhu cầu tiêu dùng giảm. Người dân có vẻ như chi tiêu dè sẻn hơn" - một tiểu thương kinh doanh tại chợ Hà Đông cho biết.
Cần hỗ trợ sản xuất, vực dậy sức mua
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân đầu tiên khiến CPI tháng 11 giảm so với tháng trước là do sức mua yếu. Thứ hai là do giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới giảm. Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, CPI giảm không hẳn đã mừng vì sức cầu thấp, hàng hóa tiêu thụ chậm cho thấy DN đang gặp rất nhiều khó khăn. NTD cũng vậy, do thu nhập giảm mà phải thắt chặt chi tiêu. Tại thời điểm 1/10, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,4% so với thời điểm 1/9 và tăng 10,9% so với cùng thời điểm năm trước.
Trong bối cảnh sức mua trên thị trường quá yếu so với nhiều năm gần đây, theo một số chuyên gia, đã đến lúc phải kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để hỗ trợ DN, khuyến khích tiêu dùng, đã đến lúc lãi suất cho vay cần phải giảm thêm nữa nhằm góp phần đáng kể giúp DN giảm được chi phí vay vốn, thông qua đó tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, DN phải tiết kiệm chi phí để giảm giá bán. Trước đây, nhiều DN còn lãng phí nên giá thành hàng hóa cao. DN nên cơ cấu lại để giá sản phẩm hợp lý hơn, thúc đẩy tiêu thụ, giảm hàng tồn kho.
Khách hàng lựa chọn mua sản phẩm tại siêu thị Nguyễn Kim. Ảnh: Việt Linh
|
"Việc kiểm soát lạm phát khá hiệu quả, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do giá xăng dầu thế giới giảm mạnh. Thực tế, cầu trong nước còn quá yếu, trong khi giá nhiều mặt hàng như lương thực, thực phẩm, xi măng, sắt thép, phân bón... giảm rất ít, chưa tương xứng với con số thống kê, cũng như tốc độ giảm mạnh của giá xăng dầu." - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh |
Nhiều hãng taxi đã tiến hành giảm giá cước phù hợp với việc giá xăng dầu giảm liên tiếp trong thời gian vừa qua. Ảnh: Phạm Hùng
|
Tăng cường quản lý giá Từ tháng 9 đến nay, Sở Tài chính Hà Nội đã chủ trì cùng liên ngành: Thuế, Công an, Y tế, Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý Nhà nước về giá tại một số DN trên địa bàn. Kiểm tra 7 DN kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 DN với tổng số tiền 65 triệu đồng; Xử phạt 2 DN kinh doanh gạo hơn 50 triệu đồng; Kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá của 5 DN kinh doanh vận tải hành khách, đã yêu cầu các DN này thực hiện kê khai lại giá đảm bảo đúng các quy định hiện hành. Thời điểm cuối năm, ngành Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thị trường, giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý thị trường, quản lý giá, thuế, phí… |