Xin xây rồi đập bỏ
Khu vực đền và lăng Ngô Quyền hiện đang trong tình trạng dở dang, ngổn ngang ngói gạch. Hai bên lăng mộ được tô vẽ lòe loẹt, không còn dáng dấp cổ của một di sản hàng ngàn năm tuổi. Đặc biệt, bức bình phong – chủ đề bàn cãi suốt thời gian qua bị đập nát, phế liệu đổ ngay khoảng đất trống trước lăng. Điều đáng nói là bức bình phong được đập bỏ chỉ 2 ngày sau khi Cục Di sản và Sở VHTT&DL kiểm tra, đưa ra kết luận: Giữ nguyên hiện trạng tu bổ, tổ chức hội nghị xin ý kiến của cơ quan cấp trên và các nhà khoa học để tìm ra phương án tu bổ thích hợp và đảm bảo đúng Luật Di sản, Luật Xây dựng. Nhưng Ban quản lý (BQL) làng cổ Đường Lâm (chủ đầu tư) và đơn vị thi công (Công ty Phương Anh) đã họp dân, xin ý kiến rồi tự phá dỡ bình phong.
Ông Phạm Hùng Sơn – Trưởng BQL làng cổ Đường Lâm, rất tự tin nhận trách nhiệm và cho rằng, “chúng tôi không thể để bức bình phong mà người ta cứ gọi là quái thú trước lăng mộ vua. Hơn nữa, công trình này chưa nghiệm thu, mà đang trong quá trình xây dựng nên đơn vị thi công có quyền tu chỉnh lại. Đây là việc làm hết sức nhân văn và đúng quy trình”. Ông Sơn còn nhấn mạnh sẽ làm thủ tục xin dừng xây mới hạng mục bình phong, mà quên rằng trước đó, UBND thị xã Sơn Tây đã tốn rất nhiều công sức để có được sự đồng ý cho phép xây mới bình phong trong công trình lịch sử cấp quốc gia này.
Chối bỏ vi phạm
Phản bác tuyên bố trên của ông Sơn, ông Nguyễn Minh Khang – chuyên viên Cục Di Sản bày tỏ: “Việc chủ đầu tư tự ý đập bức bình phong, sơn xanh đỏ đôi rồng trong lăng, sửa đường nước thải mà chưa xin phép cơ quan chức năng là trái với Luật Di sản. Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia nên không thể thích làm gì thì làm, thích phá gì thì phá”.
Trong khi đó, theo GS Trần Lâm Biền - người tư vấn thiết kế công trình trùng tu lăng Ngô Quyền: “Tôi cho rằng, xây bình phong là cần thiết, để ngăn khí độc và quỷ dữ, chứ không nên để lăng chơ vơ, trống trải. Nó cũng phù hợp với lịch sử tôn tạo di tích lăng Ngô Quyền trước đây. Tuy nhiên, vừa qua, vị trí bức bình phong đặt không hợp lý, chắn trước lăng vua". Nguyên nhân của sự bất hợp lý trong bức bình phong hiện nay cũng chỉ vì tại cuộc họp trước khi thi công, các bên liên quan đã thống nhất đặt bình phong ngoài mép nước nhưng khi thực hiện, đơn vị thi công không làm theo quyết định này, mà dựng bình phong ngay sát mộ vua.
Không thừa nhận thiếu sót, chủ đầu tư đưa ra nhiều biện minh cho việc làm không đúng quy trình tôn tạo di tích như: bức bình phong chưa đảm bảo mỹ thuật vì Luật Di sản quy định phần thiết kế chỉ được chi trả trong hơn 2% dự án; chủ đầu tư không có tiền mời hội đồng khoa học - những người có chuyên môn thiết kế. Hay việc vi phạm tháo dỡ mái che khi chưa thi công công trình cũng vì tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến hành lễ ngày đầu xuân…
Sau gần một năm thực hiện tu bổ, tôn tạo đền thờ và lăng Ngô Quyền, mới chỉ có 3 trong 12 hạng mục tu bổ được thi công. 9 hạng mục nữa còn chờ vốn, chưa kể thời gian sửa sai của các hạng mục khác. Nếu cứ tiến độ này, chắc vài năm nữa, người ta mới thấy diện mạo hoàn chỉnh của khu lăng mộ vua Ngô Quyền. Có lẽ đã đến lúc cần đặt câu hỏi: Tại sao công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tại làng cổ Đường Lâm luôn làm “dậy sóng” dư luận? Không thể đổ hoàn toàn cho bất cập trong luật, mà cần thẳng thắn nhìn nhận những điểm còn “non” trong quản lý để kịp thời sửa sai. Điều này không chỉ để sớm hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo đền và lăng Ngô Quyền, mà còn giữ gìn từng ngôi nhà, từng công trình di sản của làng cổ Đường Lâm.
Bức bình phong đã bị đập nát, phế liệu đổ ngay khoảng đất trống trước lăng Ngô Quyền. Ảnh: Thanh Khánh
|