Theo thống kê, hằng ngày có khoảng 18 đến 25 xe vận chuyển từ 3.200 - 4.500 con lợn các tỉnh phía Bắc vào phía Nam đi ngang qua TP Đà Nẵng nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Để chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi, TP Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch này và thực hiện các biện pháp chủ động ngăn chặn.
Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên theo dõi đàn lợn, nếu phát hiện lợn bệnh, lợn ốm và chết không rõ nguyên nhân thì báo cho cơ quan thú y nơi gần nhất lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm bệnh để xử lý kịp thời.
Tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tổ chức thực hiện giám sát việc vệ sinh tiêu độc khử trùng các khu vực chăn nuôi, giết mổ, các chợ, điểm kinh doanh lợn và sản phẩm của lợn.
Đặc biệt, Đà Nẵng bổ sung cán bộ thú y tại các Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên và Hòa Phước, đảm bảo trực 24/24h kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn lưu thông qua trạm và nhập vào TP; thực hiện tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển lợn, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp phát 1.152 lít Benkocid cho các địa phương, cơ sở tiêu độc khử trùng. Riêng đối với huyện Hòa Vang là địa phương có chăn nuôi nhiều, đã được cấp tiếp đợt 2 trong năm 2019 với số lượng 5.000 lít Benkocid để huyện chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Đà Nẵng cũng tăng cường triển khai thực hiện phương án ứng phó khẩn cấp ban đầu khi dịch xảy ra đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.