Có nhiều nhóm vấn đề ĐB Quốc hội muốn chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong đó có vấn đề chủ trương di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội thành (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) nhằm giải tỏa áp lực hạ tầng giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông… mâu thuẫn với việc xây dựng quá nhiều khu chung cư, tạo áp lực cho giao thông và nhiều vấn đề xã hội khác.
Theo tổng hợp, giải pháp xử lý các khoản nợ xấu, các dự án thua lỗ kéo dài, trong đó làm rõ việc xử lý 12 đại án tham nhũng và giải pháp thu hồi tài sản bị thất thoát; hướng xử lý các dự án “nghìn tỷ” đắp chiếu và việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng đó. Giải quyết những dự án đầu tư không hiệu quả, DN thua lỗ kéo dài được Chính phủ báo cáo tại Kỳ họp thứ 2 đến nay (10 dự án thua lỗ lớn, thoái vốn Nhà nước, cổ phần hóa DN Nhà nước) cũng nằm trong nhóm vấn đề được gửi đến người đứng đầu Chính phủ.
Nhóm vấn đề tiếp theo được đề xuất là giải pháp cụ thể sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Việc thực hiện kỷ cương, trật tự trong quản lý, điều hành (tránh tình trạng “trên nói dưới không nghe”, đẩy việc lên cấp trên).
Theo chương trình Kỳ họp, phiên chất vấn sẽ diễn ra từ ngày 13 - 15/6. Sau phần trả lời chất vấn của 4 thành viên Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ sẽ chốt lại phiên chất vấn về tất cả các nội dung liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐB. Thông thường, tại kỳ họp giữa năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ uỷ quyền cho Phó Thủ tướng thường trực trả lời chất vấn. Tuy nhiên, thảo luận về vấn đề này mới đây khi xem xét chương trình giám sát của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân muốn trao đổi với Thủ tướng để thống nhất, sau khi Phó Thủ tướng đăng đàn, Thủ tướng sẽ nói thêm những vấn đề đại biểu quan tâm.