Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu lo lắng về hoạt động quảng cáo trên truyền hình

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên chất vấn chiều 18/4, các đại biểu (ĐB) quốc hội đã tỏ ra lo lắng trước tình trạng quản lý chương trình truyền hình thực tế, gameshow, hoạt động quảng cáo trên truyền hình cũng như việc phê duyệt chương trình truyền hình…

Cụ thể, ĐB Nguyễn Tạo (ĐB QH tỉnh Lâm Đồng) chất vấn: Qua phản ánh của cử tri, một số chương trình của đài truyền hình Việt Nam và một số chương trình của đài truyền hình khác, trong đó nổi lên các chương trình truyền hình thực tế, gameshow có nội dung chưa mang tính giáo dục cao, một số nội dung còn dàn dựng cẩu thả, chưa trung thực, gây dư luận không tốt, đặc biệt hoạt động quảng cáo trên truyền hình có những nội dung thiếu tế nhị, không lành mạnh, thậm chí có những trường hợp có thể nói là không văn hóa, gây phản cảm, bức xúc trong Nhân dân. Dẫn đến mức có người than thở rằng xem chương trình thế giới động vật còn hơn xem gameshow, cử tri rất mong Bộ trưởng Bộ TT&TT quan tâm, xử lý, khắc phục vấn đề này trong thời gian sắp đến, vấn đề là giải pháp của Bộ như thế nào nhằm tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật đối với lĩnh vực này?
 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn chiều 18/4

Còn ĐB Trần Văn Lâm (ĐB QH tỉnh Bắc Giang) cho biết, nhiều quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay có nhiều nội dung không chính xác, nói quá so với thực tế. Hiện nay quản lý hoạt động quảng cáo và các nội dung quảng cáo thuộc trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành song cũng có trách nhiệm của Bộ TT&TT. ĐB Trần Văn Lâm đề nghị Bộ trưởng Trương Minh Tuấn làm rõ sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn, giảm thiểu các quảng cáo thiếu chính xác và đề xuất giải pháp nhằm tăng cường quản lý, phối hợp đồng bộ hiệu quả giữa các cơ quan trong thời gian tới.

Ngoài ra, ĐB Quốc hội Trương Minh Hoàng (ĐB QH tỉnh Cà Mau) cũng đặt vấn đề Bộ TT&TT xử lý như thế nào đối với những người chịu trách nhiệm phê duyệt chương trình để xảy ra tình trạng nội dung chương trình quảng cáo thiếu trung thực gây hậu quả cho người dân.

Trả lời những câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết những thông tin chương trình, nội dung quảng cáo sai sự thật gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Hiện nay các chương trình quảng cáo quá tần suất, hình ảnh quảng cáo phản cảm gây bức xúc trong dư luận xã hội xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có mặt trái của cơ chế thị trường, thiếu cơ chế quản lý đồng bộ và hành lang pháp lý xử lý.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ rõ, Bộ không cấp phép quảng cáo trên báo chí nói chung, trên đài Phát thanh, truyền hình nói riêng hoạt động quảng cáo trên phát thanh, truyền hình do các Đài tự chịu trách nhiệm và việc quảng cáo đối với từng sản phẩm (mặt hàng) cụ thể sẽ do cơ quan quản lý chuyên ngành cấp phép. Hiện nay theo quy định của pháp luật cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng hầu hết những vấn đề chủ yếu trong quảng cáo và phương thức quảng cáo (báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, xuất bản phẩm, mạng internet …) lại do Bộ TT&TT quản lý và cấp phép.

Mặt khác, nội dung quảng cáo một số sản phẩm hàng hóa lại do các cơ quan quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm như các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… do Bộ Y tế quản lý; chất lượng sản phẩm hàng hóa quảng cáo bán hàng trên truyền hình do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý; hàng giả, hàng nhái liên quan đến các sản phẩm hàng hóa quảng cáo, bán hàng trên truyền hình lại do lực lượng quản lý thị trường do Bộ Công thương quản lý. Đây là những điểm bất cập trong quản lý nhà nước về nội dung chương trình quảng cáo.

Để giải quyết một cách căn bản các sai phạm trong hoạt động quảng cáo, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, tránh bức xúc trong dư luận xã hội, trong phạm vi trách nhiệm của Bộ TTT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, Bộ đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp trong đó chú trọng hậu kiểm, tăng cường thanh tra, kiểm tra; định hướng, chỉ đạo thông tin và xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện thế chế pháp luật.

Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo trên phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, trong đó có sự phối hợp, tham gia của Sở Thông tin- Truyền thông các địa phương. Nếu phát hiện có sai phạm liên quan đến công tác quản lý báo chí, Bộ Thông tin- Truyền thông sẽ xử lý nghiêm trong thẩm quyền của mình theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ- CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Thực tế, trước những vi phạm trong sản xuất chương trình truyền hình của các đài như VTV, HTV… Bộ đều đã kịp thời, nghiêm khắc xử lý tùy theo mức độ vi phạm nhẹ nhất là nhắc nhở tại giao ban báo chí định kỳ, nhắc nhở bằng văn bản, xử phạt hành chính, thu hồi thẻ nhà báo và yêu cầu các cơ quan báo chí phải cải chính xin lỗi công khai.

Bộ sẽ tiếp tục tăng cường định hướng trong các cuộc giao ban báo chí định kỳ hàng tuần về vấn đề quảng cáo; kịp thời có các văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí, trong đó có các đài phát thanh, truyền hình trong việc phát sóng các chương trình quảng cáo.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có liên quan, Bộ TT&TT vẫn thường xuyên phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động quảng cáo. Trước những diễn biến phức tạp hiện nay của hoạt động quảng cáo đã đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Thời gian tới, Bộ sẽ sớm đề xuất và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật quảng cáo. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xây dựng các nội dung hướng dẫn việc quảng cáo trên báo chí, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.”

Bên cạnh tăng cường phối hợp với các Bộ ngành hữu quan trong quản lý nhà nước, Bộ cũng sẽ tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức hội nghề nghiệp nhằm kịp thời ngăn chặn các quảng cáo vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Kết luận về nội dung chất vấn này tại phiên họp chiều 18/4, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường công tác quản lý đặc biệt các đài phát thanh truyền hình ở Trung ương và địa phương. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo. Xây dựng cơ chế phối hợp với các hiệp hội, ngành nghề, với các cơ quan thông tấn trong kiểm soát nội dung quảng cáo, đối chiếu chất lượng sản phẩm trên thực tế.