Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu QH: Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam phải do Nhà nước nắm giữ 100% vốn

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam phải hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với 100% vốn nhà nước, mà không nên quy định do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Ngày 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Vốn điều lệ 30 tỷ đồng trở lên mới được chào bán chứng khoán
Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) được xây dựng với bố cục gồm 10 chương, 134 điều quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK); quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức TTCK; quản lý Nhà nước về chứng khoán và TTCK.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)
Đối tượng áp dụng của luật gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư chứng khoán và hoạt động trên TTCK Việt Nam. Cơ quan quản lý Nhà nước. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động chứng khoán và TTCK Việt Nam.
Trước khi thảo luận Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Về chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, có ý kiến cho rằng việc bổ sung quy định giá chào bán thấp hơn mệnh giá sẽ phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm đồng bộ, UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, nhiều ý kiến nhất trí nâng điều kiện về vốn điều lệ đối với chào bán chứng khoán ra công chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng; có ý kiến đề nghị giữ điều kiện này ở mức 10 tỷ đồng, có ý kiến đề nghị chỉ nâng lên mức 20 tỷ đồng.

UBTVQH cho rằng việc nâng điều kiện về vốn điều lệ là nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy mô TTCK. Quy định điều kiện về mức vốn điều lệ để được chào bán chứng khoán ra công chúng là 30 tỷ đồng cũng tương thích với điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hiện nay.

Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng, một số ý kiến cho rằng cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh giữa các luật đối với chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng.

UBTVQH tiếp thu theo hướng phân định rõ phạm vi Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp điều chỉnh phát hành chứng khoán của doanh nghiệp không phải công ty đại chúng để bảo đảm tính nhất quán trong việc đưa ra các điều kiện phát hành, quản trị doanh nghiệp cũng như quá trình xem xét chấp thuận, giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng công ty đại chúng và doanh nghiệp không phải công ty đại chúng, đồng thời bảo đảm có đủ thời gian đánh giá tác động theo đúng quy định của pháp luật.

Về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), một số ý kiến đề nghị mô hình UBCKNN cần độc lập và trực thuộc Chính phủ; một số ý kiến khác nhất trí giữ mô hình UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cho UBCKNN trong hoạt động.

UBTVQH thấy rằng việc quy định UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp, giữ ổn định về bộ máy, tổ chức, không tăng thêm đầu mối. Đồng thời, mô hình hiện nay đã và đang phát huy tác dụng tốt, giúp cho Bộ Tài chính quản lý thống nhất các vấn đề liên quan đến tài chính của đất nước; các chính sách phụ trợ cho sự phát triển của TTCK được ban hành trong chỉnh thể đồng bộ, linh hoạt.

Về việc tăng thêm thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập của UBCKNN: Dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ cho UBCKNN trong việc thực thi nhiệm vụ, để có thể tiệm cận gần hơn với các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO).
Không nên quy định do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ?

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng quy định về mô hình tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán như dự thảo Luật chưa đáp ứng khuôn khổ pháp lý cho Sở giao dịch chứng khoán tổ chức và vận hành với tư cách một doanh nghiệp với mục tiêu đề ra.

Cho biết xu hướng của thế giới là tổ chức lại theo hướng sáp nhập các Sở giao dịch. Nhiều nơi còn tổ chức các sở giao dịch liên quốc gia để phù hợp với thể chế kinh tế toàn cầu, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng trong nước cũng cần đón lấy xu hướng này.

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh

Đại biểu Lê Thanh Vân chỉ rõ, hiện dự thảo Luật mới chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Trong khi Sở này dự kiến tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con, như vậy là mới quy định về “mẹ” mà không quy định về “con”. Quyền và nghĩa của của Sở giao dịch chứng khoán ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người tham gia giao dich, là người dân nên cần phải được quy định rõ. Cùng với đó, sự phân chia thị trường chuyên biệt có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh ngay trong chính hệ thống Sở giao dịch chứng khoán cũng như nguy cơ về phân tán nguồn lực thu hút đầu tư thông qua thị trường.

Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát lại quy định ở Điều 42 và Điều 45 của dự thảo Luật theo hướng trao quyền Thủ tướng Chính phủ quy định quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán nói chung, còn phần tầng Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các sở ở các điểm thành lập nên quy định cụ thể trong văn bản của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, khẳng định quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính Việt Nam đang thực hiện tiến độ tốt với mô hình hiện tại, vốn hóa thị trường lên đến 5.600.000 tỉ đồng, trong đó Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh đóng góp trên 85%. Khi tính toán xây dựng mô hình sở giao dịch chứng khoán cần phải có tính kế thừa những kết quả này. Hơn nữa, hiện nay tài khoản giao dịch của Việt Nam có khoảng 2.300.000 tài khoản nhà đầu tư, với khoản 30.000 tài khoản nhà đầu tư nước ngoài nhưng nắm giữ 25% vốn. Điều này đòi hỏi phải thận trọng hơn nữa trong việc tổ chức thị trường chứng khoán.

Đại biểu đề nghị nên xem xét có thể quy định về Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ quy định theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2019. Theo đó, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam phải hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với 100% vốn nhà nước, mà không nên quy định do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, cũng phân tích, hiện nay có 2 Sở giao dịch chứng khoán (Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh) có tư cách pháp nhân độc lập, đang hoạt động và phát triển tốt. Nên nếu áp dụng như các nước, ghép 2 Sở này và tổ chức 1 sở giao dịch chứng khoán Việt Nam đặt tại Hà Nội còn thành phố Hồ Chí Minh là chi nhánh, điều này sẽ kìm hãm sự phát triển. Do đo đại biểu đề nghị quy định theo hướng Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 100% vốn nhà nước, mô hình công ty mẹ - công ty con. Các nội dung cụ thể khác sẽ trao cho Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết.

Ngoài ra, các đại biểu cũng lưu ý quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng. Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, công ty không đại chúng được phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên cơ sở nghị quyết đại hội cổ đông mà không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đây là rủi ro lớn cho thị trường bởi có những công ty không đại chúng rất lớn. Đây cũng là khoảng trống pháp lý. Hiện nay các Sở kế hoạch đầu tư các tỉnh chỉ nhận bản đăng kí vốn, còn doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường còn khoảng trống, dẫn đến nhiều vụ việc lừa đảo phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Do đó, cần có sự cân nhắc có quy định vào luật hay không, có sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các chứng khoán của các công ty không đại chúng hay không.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ rõ hiện nay còn 39/136 điều khoản (chiếm 23% tổng số điều khoản) chưa được cụ thể hóa, đề nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, quy định một cách cụ thể.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm tục tiếp thu và giải trình đầy đủ; đồng thời chỉ đạo Uỷ ban Kinh tế hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Tại phiên thảo luận, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Về đề nghị Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nên là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm 100% vốn, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và nghiên cứu.